^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Ảnh: Lớp học ngày xưa
“Tôn sư, trọng đạo” là truyền thống lâu đời của dân tộc ta và nhiều dân tộc trên thế giới. Nước ta là một nước có nền văn hóa phát triển từ rất sớm, như Nguyễn Trãi đã từng viết trong Cáo bình Ngô "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Dân tộc ta là một dân tộc thông minh, biết nhìn xa trông rộng, biết rằng trọng thầy không chỉ đem lại lợi ích cho từng gia đình mà còn cho cả đất nước, dân tộc.
Hình ảnh Thầy đồ dẫu “đã chết với thời tàn”, nhưng những gì thiêng liêng, cao đẹp mãi đã hóa thân vào giá trị tinh thần, văn hóa Việt Nam thể hiện trong cõi hồn nhà thơ, Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?”
(Ông đồ)
Không phải ngẫu nhiên từ lâu trong xã hội Việt Nam ta đã lưu truyền câu tục ngữ "Không thầy đố mày làm nên" và câu ca dao "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy". Lại có tập quán "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy".
Sau Cách mạng tháng Tám,lãnh đạo nước ta thời bấy giờ sau Bác là đồng chí Trường Chinh. Có một lần đi công tác qua bờ hồ Hoàn Kiếm, ngồi trong xe thấy thầy học cũ của mình là cụ Song An Hoàng Ngọc Phách đang đi bộ bên Bờ hồ, đồng chí Trường Chinh liền bảo lái xe dừng lại, rồi xuống xe đến trước mặt cúi đầu chào và hỏi thầy đi đâu để cho xe đưa thầy đến tận nơi. Cụ Song An nhất quyết từ chối lấy cớ việc của trò là việc công, việc của thầy là việc tư. Cụ nói vui: "phép công là trọng niềm tây sá nào".
Một số người có mặt ở Bờ hồ hôm đó chứng kiến cuộc tương ngộ này về kể cho bạn bè nghe, rồi người nọ kể cho người kia thành ra khắp Hà Nội đều biết câu chuyện đó.
Lịch sử giáo dục đương đại Việt Nam ghi nhận công lao nhiều nhà giáo đã dành trọn cuộc đời dạy học bằng trí tuệ, tài năng và phẩm chất nhân cách để làm nên một thế hệ “vàng” như các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo: Vũ Đình Liên,Nguyễn Lân, Trần Văn Giàu, Hoàng Như Mai, Phan Huy Lê.... Gần đây là một số nhà giáo, nhà khoa học xuất sắc Hoàng Tụy, Văn Như Cương...Một con người mất đi, một thế giới mất đi (S. Evtusenko).
Sau khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời thì Chủ tịch nước Bác Hồ là người đánh giá rất cao vai trò của người thầy giáo. Người nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục thì không có cán bộ”. Bác đã chọn người thầy danh tiếng nhất thời bấy giờ, đã từng dạy những trường danh giá nhất của nước Pháp: Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Bác đã nhiều lần đến thăm Trường Đại học sư phạm. Trường Đại học sư phạm và Trường Đại học Y là hai trường đại học đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Các Trường Đại học tổng hợp và Trường Đại học Bách khoa hai, ba năm sau mới có. Việc mở trước hết hai trường Đại học đào tạo thầy thuốc và thầy giáo chứng tỏ việc học tập và sức khỏe của dân đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hàng đầu.
Vì là trường đại học đầu tiên của nước, lại là trường sư phạm, nên được Bác đến nhiều lần hơn cả trường Y.
Khi Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô K.Vôrôsilốp sang thăm nước ta, Bác cùng đi với Chủ tịch đến thăm trường, Bác giới thiệu và mời Chủ tịch nói chuyện với sinh viên Việt Nam. Phiên dịch viên là một cô gái trẻ, dịch rất lưu loát nhưng có chỗ sai Bác phải dịch lại.
Có một lần Bác đến tận nơi ăn ở của sinh viên đó là ký túc xá Việt Nam học xá Bạch Mai, trước là Đông Dương học xá, nay là khu Trường Đại học Bách Khoa. Bác thăm bất ngờ không cho ai biết, trước hết Bác vào nhà bếp xem có sạch sẽ, vệ sinh không, sau Bác đi khắp phòng ngủ của sinh viên xem có ngăn nắp trật tự không? Chúng tôi biết ý định này của Bác là do chính Bác nói ra.
Bác mặc bộ quần áo thường ngày, rất giản dị nên không ai chú ý đến. Tất cả sinh viên nằm trên giường đôi (giường 2 tầng, 2 người nằm) đang đọc sách hoặc học bài, ai cũng tưởng là người nhà một anh nào đó đến thăm. Mãi đến khi Bác đến tận giường một sinh viên đang đọc sách vì buồn ngủ nên ngủ thiếp đi. Bác sờ tay anh ta nắn, nắn kiểu người ông nắm tay cháu mình xem có cứng cáp không.Giật mình tỉnh giậy, thấy trước mặt mình là Bác Hồ, anh ta hoảng hốt hô to "Hồ chủ tịch muôn năm". Bấy giờ cả phòng mới biết và cùng reo hò Bác đến, Bác đến. Nghe tiếng reo, tất cả sinh viên nội trú đều kéo đến vây quanh Bác trước sân tập thể dục nghe Bác nói chuyện.
Mùa hè năm 1958 giáo viên cấp hai, cấp ba toàn miền Bắc tập trung chỉnh huấn tại Trường Bổ túc Công nông. Bác dành hẳn một buổi chiều để nói chuyện. Bác nói về sứ mệnh cao cả của thầy giáo, về vai trò, trách nhiệm và vinh quang của nghề Thầy giáo. Bác nói nghề làm thầy là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề làm thầy là nghề dạy học trong đó có cả cô giáo. Đã là thầy phải gương mẫu về mọi mặt. Cuối cùng Bác dặn các thầy cô phải luôn luôn gần gũi và tôn trọng nhân dân, đừng tự cao tự đại, tự cho mình là: "Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu ngả độc thư cao", nghĩa là “Đừng cho rằng mọi nghề trong thiên hạ đều thấp hèn, chỉ riêng nghề đọc sách của mình là thanh cao”. Năm 1959, trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị của giáo viên, Người phê bình một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía: “Bác nghe nói một số giáo viên phàn nàn là không được chính quyền địa phương coi trọng. Người ta có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Giáo viên chưa được coi trọng là vì chưa có hương, còn xa rời quần chúng. Có nhiều giáo viên được quần chúng coi trọng, như chiến sỹ thi đua, giáo viên bình dân học vụ, họ cùng với nhân dân kết thành một khối nên được quần chúng yêu mến”.
Có một thời kỳ nghề thầy giáo bị coi rẻ "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Nhiều câu chuyện bi hài ở trong thời kỳ này.Trong hoàn cảnh các thầy cô giáo phải "chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi" hỏi còn tâm tư đâu mà chăm lo giảng dạy?
Đó là thời kỳ chất lượng của ngành giáo dục sa sút một cách nghiêm trọng. Biết rõ tình trạng này một vị chính khách nổi tiếng người Pháp đã nói với các vị lãnh đạo nước ta: "các ông mà coi thường giáo dục thì rồi các ông phải tự sát đấy!".
Có phải vì câu nói này mà cách nhìn của Nhà nước ta đối với ngành Giáo dục thay đổi không. Không ai dám khẳng định điều đó. Chỉ biết rằng đời sống giáo viên dần dần được cải thiện, lương giáo viên được xếp cao hơn cán bộ một số ngành khác. Thầy cô giáo có nhiều công lao được tặng danh hiệu nhà giáo Ưu tú, nhà giáo Nhân dân. Kèm theo danh hiệu là tiền thưởng, giáo viên có học sinh giỏi được thưởng xứng đáng.
Trong khi thế giới bỏ ngày lễ 20 tháng 11 đã được gọi là ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo thì ở Việt Nam Chính phủ ta đã có quyết định lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, cho tổ chức kỷ niệm ngày lễ đó trên toàn đất nước thể hiện sự tôn vinh nghề dạy học và khẳng định giá trị “tôn sư, trọng đạo”.
Thời gian qua, trên các diễn đàn đàn đang dậy sóng với “làn sóng” giáo viên bỏ việc, chắc chắn nhiều người rất đau nhưng vẫn phải ‘quyết ra đi”, (mặc dù đã “hiến dâng cho trẻ” trái tim và khối óc), có người đã trên 15, 20 năm, điển hình là các thành phố lớn như Hà Nôi, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...cùng với báo động thiếu hụt giáo viên ở bậc mầm non đến phổ thông trong bối cảnh thực hiện chương trình và sách giáo khoa 2018. Theo đó, nhiều bài viết đã những chia sẻ nhói lòng, đầy tâm tư “chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau” của người trong cuộc. Ở thời điểm hiện tại, nhiều người trong giới giáo chức các thế hệ vẫn thường nhắc lại tuyên bố lạc quan của một vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: “Từ năm 2010 giáo viên sống sống được bằng lương”. Nhưng trong tính hiện thực của nó không phải là vậy, mặc dù Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những nỗ lực tích cực để cải thiện đời sống cho đội ngũ nhà giáo. .
Vẫn còn cay cay mỗi khi nhớ lại một chi tiết trong một bức thư của thầy giáo dạy Lịch sử đáng kính (năm nay đã 85 tuổi) cứ ám ảnh mãi từ khi là sinh viên đang học năm thứ nhất (1986) ở Moskva cho đến giờ đã hai thứ tóc về những khó khăn, vất vả của thầy cô thời kỳ bao cấp: “lương của giáo viên không đủ mua 2 gói thuốc Lào, nhiều giáo viên sinh yếm thế (chán đời)! Khó khăn là vậy, gian khổ là vậy nhưng thầy cô vẫn mãi miết với những chuyến đò năm này qua năm khác tất cả vì học sinh thân yêu, rất ít những tiếng thở than, trách móc, bỏ việc...
Đến năm 1994, đời sống giáo viên vẫn chưa được cải thiện, đúng như tâm tư, nỗi niềm một nhà giáo, đồng nghiệp ở một Trường Sư phạm miền Trung từ năm 1994 viết đăng trên một tờ báo có uy tín: “Nghiệp giáo chức xưa nay vốn khổ/ Nghe tăng lương, sư nở mặt mày/ Đến khi đồng bạc cầm tay/So đi tính lại mới hay vẫn beò/ Hoặc: Nên chất lượng cứ nghèo đi mãi/ Có kêu ca chẳng gãi được ai/ Yêu cầu này nọ dài dài / Mà sao chính sách đợi hoài vẫn xưa/ Nên chất lượng cứ nghèo đi mãi/ Có kếu ca chẳng gãi được ai/ Yêu cầu này nọ dài dài/ Mà sao chính sách đợi hoài vẫn xưa?/Lòng “tôn sư” đã chưa đặt đúng/ Thì “đạo” kia có trọng như không”/ Bao giờ giáo hết chạy rông/ Thì Sư với đạo mới mong ngẩng đầu!”, (Giáo chức ca, 1994).
Hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo đang đứng trước làn sóng nghỉ việc của giáo viên các cấp. Vì vậy, trước tình hình này,Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ đã có những động thái tích cực như: đề nghị trả lương tương xứng (Bài viết “Hơn 1% giáo viên trong một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trả lương tương xứng”), gần đây nhất, trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non; “Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tuyển dụng giáo viên”, đăng tải trên các báo và diễn đàn.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện rất nhiều bài viết và diễn đàn của các chuyên gia, người làm giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và có những hiến kế bước đầu nhằm giảm thiểu số giáo viên bỏ việc thẳng thắn, chân thành. Trong đó bàn nhiều về nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các bài viết và diễn đàn tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân cơ bản: Chế độ lương bổng (không đủ sống); Môi trường làm việc (không thuận lợi, bấp bênh, rủi ro cao); Thái độ ứng xử (không làm hài lòng); Áp lực công việc lớn (cường độ lao động cao); Cơ hội thăng tiến (khó khăn, tốn kém), sự ghi nhận và đánh giá (chưa khẩu phục, tâm phục), nhất là những người có lòng tự trọng nghề nghiệp cao.
Rõ ràng, xã hội có trọng thầy thì thầy mới toàn tâm toàn ý đem hết năng lực của mình ra dạy dỗ học sinh. Thấy cha mẹ rồi chính quyền các cấp từ thôn xã, huyện tỉnh lên tận Trung ương đều quý trọng thầy cô thì các em học sinh mới yêu kính, nghe và làm theo những lời thầy cô dạy bảo để trở thành con ngoan trò giỏi. Có con ngoan là hạnh phúc cho gia đình. Có nhiều trò giỏi là phúc của nước, nước có nhiều nhân tài thì mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa đều phát triển./.
Ghi chú: <1> Câu nói của Bác Hồ: đừng cho rằng mọi nghề trong thiên hạ đều thấp hèn, chỉ riêng nghề đọc sách của mình là thanh cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO