^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Có rất nhiều học giả đã bàn về sự chuyển biến, sự thay đổi quan niệm của thanh niên đối với các giá trị đạo đức trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, cũng như sự trăn trở của họ về công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Giới hạn trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một số biện pháp nhằm phát huy vai trò của giảng viên trong việc định hướng giá trị đạo đức cho sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo những người lao động vừa “hồng” vừa “chuyên” cho xã hội.
There are many scholars who discuss the mutations, the change in conception of the youth towards moral values in the context of our country today, as well as their concerns about the moral education for the younger generation. In this article, we would like to mention a number of measures to promote the role of teachers in moral value orientation for students, especially students of pedagogy, contribute to perform training targets employees who are useful to society.
Từ khóa: giá trị đạo đức, định hướng giá trị đạo đức, giảng viên, sinh viên sư phạm
Trong bất cứ một xã hội, một nền văn hóa nào trên thế giới, vấn đề đạo đức luôn là một tiêu chí hàng đầu để định hướng về tư tưởng, lối sống của công dân trong xã hội đó. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hoá coi tư tưởng, lối sống mà cụ thể là việc định hướng giá trị đạo đức có quan hệ mật thiết đến mức tổ hợp thành một vấn đề trọng tâm và cấp bách trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, đội ngũ nhà giáo là một trong những lực lường nòng cốt trong việc định hướng giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ - học sinh – sinh viên trở thành những công dân đáp ứng được yêu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, toàn diện các lĩnh vực. Đối với những nhà sư phạm tương lai, việc giới thiệu, cung cấp và định hướng những giá trị đạo đức cho họ và một trong những vấn đề bức thiết, bởi sinh viên sư phạm chọn một nghề rất đặc biệt, nghề “trồng người”, nhân cách và những giá trị đạo đức của họ có tác động mạnh mẽ đến học sinh – thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ giảng viên trong trường sư phạm cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho người học, đặc biệt vai trò của họ đối với công tác định hướng giá trị đạo đức cho sinh viên
Vấn đề giáo dục đạo đức và định hướng giá trị đạo đức cho con người là một trong những vấn đề có tính thời sự khi mà các giá trị đạo đức, các chuẩn mực đạo đức đã có những sự biến đối tích cực và tiêu cực. Ở một bình diện khác, ngày càng có nhiều hậu quả xấu đối với xã hội bởi sự suy thoái về đạo đức, đặc biệt diễn ra với tốc độ chóng mặt ở trên các lĩnh vực, trên toàn quốc và độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc định hướng các giá trị đạo đức cho thể hệ trẻ. Tuy nhiên, để định hướng các giá trị đạo đức cho người học, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức, giúp các em hoàn thiện nhân cách thì cần phải có sự tiến hành đồng bộ giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và toàn xã hội, trong đó có sự tác động trực tiếp là đội ngũ các nhà sư phạm. Với tư cách là một giảng viên, một người luôn trăn trở với công tác định hướng giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các nhà giáo tương lai, thiết nghĩ, các giảng viên cần phải nhận thức và làm thế nào để phát huy vai trò của mình trong công tác định hướng các giá trị đạo đức, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm hiện nay.
3.1 Giảng viên là một tấm gương mẫu mực về đạo đức
Giảng viên phải thực sự là một tấm gương về đạo đức và đạo đức nghề nghiệp để sinh viên noi theo; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và mẫu mực trong giao tiếp với đồng nghiệp, với sinh viên và những người xung quanh. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên tập trung chủ yếu vào việc định hướng mục tiêu nghề nghiệp, giáo dục động cơ nghề và đạo đức nghề cho sinh viên trong suốt quá trình đào tạo từ tri thức và phong cách làm việc của giảng viên. Sinh viên thường đòi hỏi rất cao từ giảng viên, những đòi hỏi đó liên quan đến trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và cách ứng xử với sinh viên. Đa số sinh viên hình thành niềm say mê nghề dạy học ngay trên giảng đường trường sư phạm sau khi được học tập và làm việc với một giáo viên nào đó, và cũng có một số sinh viên đã từ bỏ niềm yêu thích nghề sư phạm vốn đã được hình thành rất sớm vì một sai lầm không thể tha thứ ở người thầy mà mình từng yêu quí. Muốn vậy, người giảng viên cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, vai trò và vị trí của mình trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên.
3.2 Hình thành động cơ, hứng thú học tập ở sinh viên sư phạm
Động cơ, hứng thú học tập liên quan đến nhiều yếu tố như: ý nghĩa tích cực giữa giảng viên với sinh viên...Vì thế, hình thành động cơ, hứng thú học tập cho sinh viên, giảng viên cần thực hiện các biện pháp sau:
- Làm rõ ý nghĩa môn học, bài học trong chương trình đào tạo giáo viên.
- Gia tăng tính “hấp dẫn” của nội dung môn học, bài học
Bản thân tri thức luôn chứa đựng những điều mới lạ nên hấp dẫn người học. Tuy nhiên, những điều mới lạ, tính hấp dẫn của tri thức “ẩn” bên trong tri thức ấy nên sinh viên khó có thể nhận thấy ngay. Giảng viên bộc lộ, lột tả những điều ấy nhằm giúp sinh viên cảm nhận được.
- Duy trì giao tiếp tích cực ở trên lớp
Để làm được việc này, giảng viên cần lựa chọn, sử dụng phối hợp và luân chuyển một cách khéo léo các phương pháp dạy học ở trên lớp để duy trì giao tiếp tích cực giữa giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên với nhau. Phong cách sư phạm đầy tính năng động và sáng tạo của giảng viên cũng có tác dụng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho SVSP.
- Can thiệp sư phạm hợp lý
Trong quá trình học, sinh viên luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn như không có phương pháp học hiệu quả, thiếu phương tiện và điều kiện học tập, một số khái niệm công cụ chưa nắm vững v.v... Vì thế, có thể sinh viên sẽ từ bỏ việc học hoặc học tập thiếu tính tích cực.
Giảng viên cần có những can thiệp sư phạm hợp lý giúp đỡ sinh viên theo đuổi việc học đến cùng để đạt được mục đích học. Các can thiệp đó có thể là chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm tự học thành công; cung cấp thêm nguồn thông tin như các địa chỉ web, đĩa CD, tên tờ báo, tạp chí v.v...; giúp sinh viên hiểu đúng nội hàm khái niệm bằng cách phân tích các dấu hiệu bản chất của khái niệm. Đôi khi, giảng viên còn cần phải hỗ trợ sinh viên về tình cảm, sự nỗ lực ý chí cần thiết trong học tập - trí tuệ xác cảm (EQ).
3.3 Tổ chức dạy học các môn nghiệp vụ góp phần hình thành động cơ, hứng thú học nghề sư phạm cho sinh viên
3.4 Giảng viên cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tiến hành các hoạt động giáo dục trong trường sư phạm phong phú, hấp dẫn góp phần giáo dục đạo đức nghề cho SVSP
Các hoạt động giáo dục được hiểu là các hoạt động sinh hoạt đoàn thể, chính trị, xã hội, văn hóa… Để các hoạt động này kích thích được hứng thú và tính tự giác của sinh viên cần thành lập các câu lạc bộ với nhiều chủ đề, nội dung sinh hoạt đa dạng và giáo viên cần phải nhiệt tình tâm huyết với các câu lạc bộ. Nhà trường cần quan tâm và tạo điều kiện để cán bộ giáo viên tổ chức các hoạt động này một cách phong phú, hấp dẫn và có hiệu quả:
Như đã nêu ở trên, vấn đề giáo dục định hướng giá trị nói chung và định hướng giá trị đạo đức cho sinh viên sư phạm có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, đối với sự phát triển nhân cách con người
Sinh viên sư phạm cần định hướng giá trị đúng đắn để không chỉ tích cực trong học tập và rèn luyện ở trường sư phạm mà còn định hướng giá trị cho học sinh của mình khi đã là giáo viên. Vì vậy, vai trò của giảng viên trong việc định hướng giá trị đạo đức cho sinh viên sư phạm ngày càng quan trọng, có ý nghĩa rộng lớn, cần được nhận thức đúng đắn và có sự quan tâm đúng mực của nhà trường, xã hội và chính bản thân những người làm nghề giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO