^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Hiện nay, cả nước có trên 20 trường đại học địa phương.Đây là những trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có sứ mệnh chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù địa phương. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận vềtự chủ đại học,phân tích những khó khăn, thách thức và một số khuyến nghị đối với các trường đại học địa phương trong tiến trình thực hiện tự chủ.
1.Đặt vấn đề
Tự chủ đại học (TCĐH) được coi là giải pháp cơ bản cải cách giáo dục đại học đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần và đủ để các trường đại học tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.
Nghiên cứu về các mô hình quản trị đại học trên thế giới cho thấy mức độ tự chủ thể hiện ở mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với cơ sở giáo dục ở các quốc gia là khác nhau do chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị, kinh tế, xã hội không giống nhau. Thậm chí ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ của các trường đại học cũng có thể khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng của các trường.Thể chế tự chủ cao hơn là yếu tố then chốt tạo ra sự thành công của các cuộc cải cách đại học.Nhìn chung, tự chủ đại học được nhìn nhận là sự thiết lập cơ chế độc lập tương đối của các ngoại tác nhân để trường đại học có thể chủ động trong công tác quản trị và tổ chức nội bộ, tạo lập và phân bổ các nguồn lực tài chính, tuyển dụng và bố trí nhân sự, xây dựng các tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho việc tổ chức giảng dạy, học tập và nghiên cứu….Tìm hiểu các mô hình tự chủ của các quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore …có thể thấy mô hình tự chủ đại học mỗi nước đều có thế mạnh riêng, đã giúp họ trở thành những quốc giacó nền giáo dục đại học chất lượng hàng đầu thế giới (Phạm Minh Hùng, 2019;Hoàng Ngọc Hà, 2021). Ở Việt Nam, mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực ở một số cơ sở giáo dục đại học, đạt được những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam từng bước hội nhập tốt hơn với giáo dục đại học thế giới (Lê Thanh Hà, 2023).Các cơ sở đại học đã chủ động kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng…Tuy nhiên,theo đánh giá, các trường đại học tự chủ về mức chi nhưng tự chủ về thu chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả của việc thực hiện tự chủ không hơn là bao so với không tự chủ.
Ở Việt Nam, khái niệm “tự chủ đại học” xuất hiện gần hai thập kỷ gần đây. Về sau đã được khẳng định trong các văn bản pháp quy như Điều lệ trường đại học, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung)…và đã có bước tiến mới trong nhận thức và hành động. Tự chủ đại học ởViệt Nam được hiểu là các trường đại học được tự chủ theo quy định của pháp luật, gắn với tự chịu trách nhiệm và được thể chế hóa từng phần trong từng lĩnh vực hoạt động của các cơ sở GDĐH(Vũ Tiễn Dũng, 2022)
Kể từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH 14); Nghị định 99/2019/NĐ - CP, theo đó là Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì về cơ bản tự chủ đại học đã được luật hóa, không phân biệt loại hình trường công, tư. Mặc dù vậy, tiến trình tự chủ đối với các trường công lập, đặc biệt là các trường đại học do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý còn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức.
2. Nội dung
2.1.Bối cảnh mới và những thách thức mới của giáo dục đại học
Theo các chuyên gia giáo dục, giáo dục đại học đang vận động trong một bối cảnh với những thách thức mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề tự chủ đại học.
Một là, nghiêm trọng nhất, là tình trạng biến đổi khí hậu và sự mất đa dạng sinh học.
Hai là, tiếp theo là tình trạng dai dẳng của xung đột vũ trang.
Ba là, là sự gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập giữa và trong các nước.
Bốn là, là sự suy giảm về tự do học thuật, về tư duy độc lập, về tự chủ đại học, về nghiên cứu khoa học trong những vấn đề nhạy cảm xã hội.
2.2. Những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học địa phương
Cả nước hiện nay có trên 20 trường đại học địa phương.Từ khi thành lập đến nay, các trường có vai trò, sứ mệnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Với xuất phát điểm còn thấp cả về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giảng viên và nguồn lực tài chính thì việc đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội theo đúng sứ mạng đã tuyên bố cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường đại học địa phương, nhất là trong thời gian tới nếu phải thực hiện cơ chế tự chủ. Có ý kiến cho rằng: trường đại học địa phương đang đitrên “con đường khấp khểnh”, “khó có thể tự lớn lên được mà đang đang tồn tại trong nghịch cảnh sống mòn”. Nhiều trường đang lo sắp tới chuyển sang cơ chế tự chủ sẽ như thế nào? Có tồn tại hay không?
Kết quả ngghiên cứu và phân tích cho thầy, trong việc thực thi quyền tự chủ, các trường đại học địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức.Để nâng cao khả năng thực thi quyền tự chủ, một số vấn đề đặt ra đối với các trường đại học địa phương:
Về chính sách: Ngoài hệ thống văn bản đã được luật hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể về hệ thống trường đại học công lập do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý trực tiếp nhằm đánh giá thực trạng, xác định mục tiêu trung hạn, ngắn hạn để có lộ trình triển khai tự chủ đại học hợp lý.
Mô hình tổ chức triển khai: Xác định và nhân rộng mô hình có tính thực tiễn cao, có tính khả thi và khả năng ứng dụng phù hợp với các trường đại học công lập địa phương.
Để xác định mô hình và phương hướng thực thi quyền tự chủ cũng như định vị phát triển hệ thống các trường đại học địa phương đã có một số Hội thảo khoa học được tổ chức: “Tự chủ đại học địa phương trong giai đoạn hiện nay” (2018); “Trường đại học địa phương sau 25 năm xây dựng và trưởng thành: thực trạng và kiến nghị” (2023).
3. Kết luận
Tự chủ đại học là chủ trương lớn nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, là xu thế phát triển tất yếu, nhằm đảm bảo điều kiện để các trường đại học tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.
Tuy nhiên, trong xu thế đẩy mạnh thực hiện tự chủ hiện nay, đa số các trường đại học địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình.Mặc dù đã có hành lang pháp lý cho tự chủ đại học, song có thể thấy, các trường đại học có bối cảnh lịch sử ra đời, phát triển cũng như khả năng, tiềm lực, uy tín, vị thế, thương hiệu không giống nhau, vì vậy: 1)Việc lựa chọn hướng đi phù hợp, thực thi chính sách sách tự chủ đại học đối với các trường đại học địa phương có ý nghĩa lớn cả mặt lý thuyết và thực tiễn; 2) Từng bước trao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau, phù hợp với tiến trình, năng lực của từng trường đại học địa phương phù hợp với chủ trương của Đảng, định hướng của Nhà nước; 3) Mỗi trường cần phát huy nguồn lực, năng động, sáng tạo để giải quyết bài toán tự chủ, trong đó phát huy những giá trị căn bản để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đội ngũ, cơ sở vật chất trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng là những yếu tố căn bản có ý nghĩa quyết định trong việc thực thi tự chủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2017), Tự chủ đại học: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam.Nguồnhttp://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-hoat-dong.aspx?
2.Vũ Tiễn Dũng (2022), Tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp. Nguồn https://tapchimattran.vn/thuc-tien/tu-chu-dai-hoc-o-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-giai-phap-44839.html.
3. Hoàng Ngọc Hà (2021), Tự chủ đại học - Lý luận, thực tiễn và một số khuyến nghị cho Trường Đại học Hà Tĩnh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường trọng điểm. Trường Đại học Hà Tĩnh.
4.Lê Thanh Hà( 2023), Thách thức trong thực thi quyền tự chủ đối với các trường đại học địa phương, tr. 38-39. Kỉ yếu Hội thảo khoa học “Trường Đại học địa phương sau 25 năm xây dựng và trưởng thành: thực trạng và kiến nghị”. Quảng Ngãi tháng 06 năm 2023.
5. Phạm Minh Hùng (2019), Nghiên cứu trách nhiệm giải trình của đại học công lập trong bối cảnh tự chủ, Đề tài cấp Bộ. Mã số đề tài: Mã số đề tài: B2018-TDV-06NNS.
6.Kiểm toán Nhà nước (2019), Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - vấn đề đặt ra và vai trò của kiểm toán Nhà nước. Nxb Đại học Kinh tế - quốc dân, HN.