^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Kỹ năng mềm được coi là “chìa khóa thành công” của con người trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt đối với người giáo viên.
Trang bị kiến thức và rèn luyện để phát triển kỹ năng cho sinh viên là một yêu cầu cấp bách đối với các trường/khoa sư phạm hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, kỹ năng mềm (KNM) được coi là một trong những kỹ năng (KN) cần thiết và quan trọng nhất trong đời sống con người. Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục và đào tạo đang chuyển đổi cách tiếp cận chương trình giáo dục từ hướng trang bị kiến thức sang định hướng phát triển năng lực ở người học. Để thực hiện chủ trương này các cơ sở giáo dục, các trường học trong cả nước đang nỗ lực để có những bước tiến mạnh mẽ nhằm phát triển ở người học các phẩm chất, năng lực và các kỹ năng cơ bản, đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội.
Trước thực tế này, Đảng, Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những định hướng tích cực để đưa KNM vào giảng dạy ở các bậc học, góp phần nâng cao giá trị sống, chất lượng sống, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp cho HS, SV. Giáo dục KNM trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các trường hiện nay.
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng phát triển KNM cho SV nói chung, SV ngành Giáo dục Tiểu học nói riêng, Trường Đại học Hà Tĩnh đã đưa môn Phát triển kỹ năng vào chương trình đào tạo từ năm 2016. Trong môn Phát triển kĩ năng, kỹ năng mềm chiếm trọng số lớn, chiếm tới 2/3 thời lượng (2 tín chỉ). Việc nghiên cứu tìm ra giải pháp để nâng cao KNM cho SV, “chìa khóa thành công” trong hoạt động nghề nghiệp của SV ngành Giáo dục Tiểu học đang là vấn đề cấp thiết.
2. Nội dung
2.1. Một số vấn đề lý luận về phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên
2.1.1. Khái niệm về kĩ năng
- Kĩ năng: Theo Wikipedia, kỹ năng (skill) là khả năng thực hiện một hành động với kết quả được xác định thường trong một khoảng thời gian cùng năng lượng nhất định hoặc cả hai [4].
Theo L.Đ.Lêvitôv nhà tâm lí học Liên Xô: “Kỹ năng là sự thực hiện có kết quả một động tác nào đó hay một hoạt động phức tạp hơn bằng cách lựa chọn và áp dụng những cách thức đúng đắn, có tính đến những điều kiện nhất định”. Ông cho rằng, những người có kỹ năng là những người phải nắm và vận dụng một cách đúng đắn những lý thuyết và hành động để ứng dụng vào thực tế.
- Kỹ năng mềm (Soft skills) hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tiếp nhận và học hỏi, kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và đổi mới (theo Wikipedia).
- Kỹ năng nghề nghiệp (Professionnal skills): là khả năng làm việc, năng lực hoàn thành một công việc của một người đối với một lĩnh vực cụ thể nào đó. Kỹ năng nghề nghiệp gồm có kỹ năng chuyên môn (kỹ năng nghiệp vụ) và kỹ năng chung (hay còn gọi là kỹ năng mềm).
2.1.2. Đặc điểm của kĩ năng mềm
Theo các nghiên cứu, KNM có các đặc điểm đáng lưu ý: “KNM không phải bẩm sinh mà do rèn luyện, con đường hình thành KNM là trải nghiệm; KNM mềm không thể cố định với ngành nghề khác nhau, vì mỗi nghề có đặc trưng riêng”.
2.1.3. Vai trò của kĩ năng mềm
Nói về vai trò của kĩ năng mềm, nghiên cứu từ đại học Harvard khẳng định rằng: Kỹ năng mềm quyết định đến 75% sự thành công trong cuộc sống, công việc và học tập của bạn. Vào năm 2019, LinkedIn’s Global Talent Trends báo cáo rằng 92% các chuyên gia thu hút nhân tài chỉ ra rằng các KNM cũng quan trọng để tuyển dụng như kĩ năng cứng (KNC) và 89% ý kiến cho rằng: khi việc tuyển dụng không thành công, đó là vì họ thiếu các KNM quan trọng [2]. . Kỹ năng mềm bao gồm những đặc điểm về tính cách, thói quen cá nhân, khả năng giao tiếp, ứng xử, giải quyết vấn đề,... xoay quanh cuộc sống, công việc. Để phát triển một cách toàn diện, mỗi cá nhân đều phải tích lũy cho riêng mình một “kho tàng” các kỹ năng mềm cần thiết. Kỹ năng mềm không chỉ giúp bạn dễ dàng thích ứng, hòa nhập tốt hơn mà nó còn là bước đệm vững chắc để đánh giá năng lực, con đường thăng tiến trong công việc. Đây cũng chính là lý do hầu hết các nhà tuyển dụng hiện nay đề cao những ứng viên sở hữu nhiều kỹ năng mềm hơn bởi vì họ muốn làm việc chung với những người nhanh nhạy, hoạt bát.
Đối với giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng, bên cạnh kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, KNM có ý nghĩa quan trọng, là “chìa khóa” thành công đối với hoạt động nghề nghiệp của họ. Có thể kể đến một số kĩ năng mềm quan trọng đối với giáo viên tiểu học như:
- Kỹ năng giao tiếp: Đây là kỹ năng không thể thiếu đối với người giáo viên. Giáo viên không chỉ giao tiếp với học sinh trên phương diện nội dung bài học mà còn phải ứng xử với các tình huống khác.Tùy thuộc vào từng đối tượng học sinh, giáo viên phải lựa chọn phong cách giao tiếp sao cho phù hợp. Ngoài ra, giáo viên còn phải thường xuyên giao tiếp với phụ huynh, với đồng nghiệp.
- Kĩ năng lắng nghe và phản hồi tích cực: Mỗi giáo viên cần biết lắng nghe để hiểu và kịp thời giải đáp thắc mắc của học sinh một cách tích cực.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Để tiết học diễn ra một cách có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu của bài học đã được xác định, giáo viên phải là người có kĩ năng phân bổ thời gian hợp lí cho từng hạt động dạy học trên lớp,…
- Kỹ năng lập kế hoạch: Lập kế hoạch dạy học là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên. Giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu dạy học, đặc điểm của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất để thiết kế bài dạy. Trước khi lên lớp giảng dạy, giáo viên cần xác định trước: nội dung, mục tiêu, phương pháp truyền đạt, đồ dùng dạy học,…
- Kĩ năng tự học, đổi mới, sáng tạo: Giáo dục không ngừng thay đổi và phát triển. Để bắt kịp sự phát triển của xã hội nói chung, nền giáo dục nói riêng, giáo viên phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, năng lực nghiệp vụ,…
- Kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng cần có của một giáo viên. Giáo viên phải biết tổ chức cho học sinh làm việc, thảo luận theo nhóm để gắn kết các em với nhau, rèn luyện cho các em biết cách hợp tác và làm việc theo nhóm. Thông qua đó các em có thể tiếp thu bài học tốt hơn.
- Kỹ năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện: Kĩ năng này rất quan trọng đối với giáo viên khi được sử dụng để nhận xét, đánh giá học sinh về kết quả học tập, phẩm chất và năng lực của các em. Để đánh giá một cách khách quan, công bằng, chính xác về năng lực, phẩm chất của học sinh, giáo viên phải có khả năng quan sát và cái nhìn toàn diện.
2.1.4. Nội dung, hình thức đào tạo KNM cho SV ngành Giáo dục Tiểu học
Phát triển kỹ năng đối với sinh viên nói chung, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học nói riêng đã được nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu quan tâm [3]. Gần đây nhất có các đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội. Ở Trường Đại học Hà Tĩnh, tác giả Nguyễn Thị Hương Giang đã đề cập đến vấn đề “Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực” [1]. Qua các công trình nghiên cứu, các tác giả đã có sự tương đồng trong việc đề xuất các nội dung và hình thức đào tạo kĩ năng nói chung và KNM cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học như sau:
- Qua môn “Phát triển kỹ năng”
Môn “Phát triển kỹ năng” có vị trí quan trọng đối với SV nói chung, đối với SV ngành Giáo dục Tiểu học nói riêng. Môn học này nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng: kỹ năng hoạt động nhóm; kỹ năng tạo lập môi trường giao tiếp; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng quản lý xung đột; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng phỏng vấn tìm việc làm.
- Qua môn“Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm” (RLNVSP)
RLNVSP là môn học được xây dựng với mục tiêu hướng dẫn nghiệp vụ sư phạm cho SV, chủ yếu tập trung phát triển KN nghề, tác dụng nhiều cho các KNM.
- Qua hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động ngoại khóa được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo. Hoạt động ngoại khóa được tổ chức theo phương châm: sinh viên chủ động, khoa chủ quản và nhà trường tạo cơ chế; mỗi sinh viên đều có cơ hội tham gia ở nhiều vị trí hoạt động khác nhau đảm bảo các em được phát triển nhiều kỹ năng phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
- Qua hoạt động thực tập, thực hành tại trường tiểu học
Hoạt động thực tập, đi thực tế tại các trường tiểu học được thực hiện từ năm thứ 2 đối với trình độ cao đẳng và năm thứ 3 đối với trình độ đại học. Qua hoạt động thực tập, sinh viên được rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học được học ở trường sư phạm vào thực tiễn công tác chủ nhiệm và dạy học tại trường tiểu học. Thông qua đó, các KNM cũng được củng cố và phát triển.
Ngoài ra, các công trình nghiên cứu cũng khẳng định các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển KNM của người GV tiểu học là: Chương trình, nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện; đội ngũ giảng viên, sinh viên.
3. Kết luận
Để giúp sinh viên thành công trong nghề nghiệp ở tương lai, trong quá trình đào tạo, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo Sư phạm cần chú trọng trang bị, bồi dưỡng KNM cho các em.
Hiệu quả đào tạo KNM phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, rèn luyện; vai trò của người học, môi trường trải nghiệm phải được chuẩn hóa và cải tiến không ngừng và thái độ tích cực của SV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Hương Giang, Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực, Tạp chí Khoa học Đại học Hà Tĩnh, số 22, 2022.
[2]. Ha Nam Khanh, G. (2017). Yêu cầu kỹ năng mềm của lao động trong thời kỳ hội nhập (Business Skills Requirement for Labor in the Integrity Period).
[3]. Huỳnh Văn Sơn (2019), Rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho sinh viên, NXB Giáo dục Việt Nam.
[4].Wikipedia, Bách khoa toàn thư miễn phí . Được truy cập lúc 07:27, ngày 9 tháng 4 năm 2022.
5]. https://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Soft_skills&oldid=1080404067