^Back To Top

  • 1 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những cung đường Tây Bắc uốn lượn bên cạnh đồi núi ruộng bậc thang tạo nên khung cảnh núi rừng hùng vĩ và ngút ngàn khiến du khách nào đặt chân đến cũng phải trầm trồ. (Tác giả: Trần Trung Hậu)
  • 2 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những mùa hoa miền núi phía Bắc Việt Nam đã làm say lòng biết bao du khách trong và ngoài nước. Một trong số những điểm đến đẹp nhất để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên này chính là Hà Giang, mảnh đất địa đầu tổ quốc. (Tác giả: Phạm Thị Thu Hà)
  • 3 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nói đến những thác nước đẹp của Việt Nam không thể bỏ qua cái tên Bản Giốc, Cao Bằng. Tới đây du khách sẽ được thỏa thích ngắm nhìn cảnh sắc hùng vỹ và thơ mộng của từng dòng thác từ trên cao đổ xuống sông Quây Sơn trong xanh, êm đềm dưới chân thác đẹp như một bức tranh thủy mặc. (Tác giả: Bùi Tuấn Hùng)
  • 4 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm khi những cánh đồng lúa nước bắt đầu trổ bông, tô màu vàng rực rỡ cho đôi bờ dòng sông Ngô Đồng cũng là lúc du khách hay các nhiếp ảnh gia khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng và "săn" hình. (Tác giả: Nguyễn Văn Khánh)
  • 5 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nếu đã từng đến với mảnh đất Đà Lạt, ngoài vẻ đẹp rực rỡ của ngàn hoa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên về khoảng khắc nắng mai ngập tràn trên những rừng thông. (Tác giả: Thái Bình Minh)
Tư vấn

Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...


Bộ môn Tâm lý - Giáo dục

Trường Đại học Hà Tĩnh

KHỔNG TỬ - NHÀ SƯ PHẠM KIỆT XUẤT CỦA

NỀN GIÁO DỤC PHƯƠNG ĐÔNG

 

Sơ lược thân thế sự nghiệp

Tiểu sử

Khổng Tử ( 551 - 479 TCN) tên thật là Khổng Khâu, tên chữ là Trọng Ni,

 sinh ở làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).  Khổng Tử là con của vợ bé trong một gia đình của một viên quan nhỏ, khi sinh ra gia đình đã sa sút, lên 3 tuổi bố mất, lớn lên phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ. Năm 19 tuổi ông lấy vợ và được làm một chức quan nhỏ trông coi việc gạt thóc công khố (thu thuế) và chăn nuôi trâu bò dùng vào việc cúng tế, nổi tiếng là người hay chữ thông minh.

Năm 29 tuổi được vua nước Lỗ chu cấp đến kinh đô nhà Chu, ở đó ông học tập khảo cứu các tư liệu quí giá ở  nhà Minh đường  và gặp gỡ nhiều hiền nhân nổi tiếng. Sau đó ông trở về nước Lỗ, mãi đến năm 51 tuổi vua nước Lỗ mới mời ông ra làm quan ở huyện Trung Đô, một năm sau được phong chức đại tư khấu. Ông đã đặt ra pháp luật giúp người nghèo định việc quan, hội, tang tế rất minh bạch đem lại đời sống thái bình thịnh trị cho nhân dân, nhờ đó đã góp phần quan trong giúp nước Lỗ trở nên thịnh trị, tuy nhiên do bị dèm pha nên ông từ chức và lại ra đi.

Khổng Tử đi chu du nhiều nước láng giềng nhằm mục đích cầu quan và hành đạo nhưng ông đã không tìm được minh chúa hợp với sở nguyện. Đến năm 68 tuổi, khi nước Lỗ cho người sang đón ông đã quay về mở trường dạy học và viết sách. Bộ sách đồ sộ của ông chính là nội dung của Nho giáo: Bộ ngũ kinh; Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh xuân thu, Kinh thư, Kinh thi. ông mất năm 479 TCN, thọ 72 tuổi

            Những đóng góp cơ bản của Khổng Tử cho nền giáo dục Trung Hoa

Ông sinh ra vào cuối thời Xuân thu Chiến quốc, đây là thời kỳ đại khủng hoảng của Trung Quốc, các nước  chư hầu nổi lên chinh phạt lẫn nhau.

Lúc này tư tưởng văn hoá của nhà Chu không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, vì vậy các học giả đều có quan điểm muốn học đời trước để khôi phục xã hội như cũ. Mặt khác việc nghiên cứu chỉnh đốn, giảng giải những vấn đề về đạo đức đến mọi người rất cần cho xã hội, chính Khổng Tử là người đầu tiên đề xướng việc đó, thể hiện ở hai sự đóng góp của ông:

            (1) Sáng lập ra tư học: Trước đó việc giáo dục do nhà nước đảm nhiệm, chỉ có trường công dành cho con em quan lại quý tộc. Việc Khổng Tử mở trường tư là một cuộc cách mạng lớn mở đường cho nền giáo dục toàn dân.

(2) Sáng lập ra Nho giáo: Khổng Tử muốn lập lại trật tự xã hội bằng cách cải biên quan điểm của nhà Chu cho phù hợp với một xã hội có xu hướng dân chủ, điều hành xã hội bằng Nhân, Lễ, Trí, Tín. Đó chính là nội dung giáo dục cơ bản của Nho giáo.

            Những quan điểm triết lý giáo dục của Khổng Tử

            Về đối tượng giáo dục    

Ông cho rằng giáo dục cần thiết cho mọi đối tượng, không phân biệt các hạng người trong xã hội.

Học tập là phương tiện cần thiết duy nhất để mở mang sự hiểu biết, trau dồi đạo đức làm người.

            Về mục đích giáo dục

Đối với Nhà nước, những người làm công tác quản lý phải chăm lo sự nghiệp giáo dục, phải coi nó là một trong những điều kiện đem lại nền thịnh trị cho đất nước.

Đối với mỗi cá nhân, mục đích giáo dục là đào tạo họ thành những người quân tử .Tuy nhiên việc học tập đối với từng người phải dựa vào hai yếu tố: óc thông minh và ý chí học tập.

            Về nội dung giáo dục

Nội dung giáo dục do Khổng Tử xác định được xây dựng trên thế giới quan duy tâm, tin rằng trời là chúa tể của vũ trụ có thể sắp đặt mọi sự vật hiện tượng theo quy luật nhất định gọi là mệnh trời. Trên thế giới còn có một lực lượng siêu nhân khác, đó là quỷ thần cũng chi phối hoạt động của con người và xã hội.

Muốn sống phù hợp với đạo trời, với quỷ thần thì phải có: nhân, lễ, nghĩa,  trung, tín, đó mới là người quân tử.

            Nhân:

Nhân là tính bản thể của con người, các tổng quan của chữ nhân là phải yêu thương con người và làm cho người khác có lợi, tập trung ở nội dung sau:

            Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người;

            Cái gì mình muốn lập thì lập cho người;

            Cái gì mình muốn đạt thì đạt cho người.       

            Lễ:

            Lễ là tích tụ của cái đẹp. Trước hết lễ là chỉ cách thờ cúng thần linh để được phúc tế, sau đó được hiểu rộng ra là những phong tục tập quán được xã hội thừa nhận. Lễ là hành vi, là hình thức bộc lộ của nhân: “sửa mình theo lễ là nhân”.

Lễ dùng để cấm sự loạn khi nó chưa xảy ra, còn pháp luật chỉ để trị việc xảy ra.

            Trí:

            Trí là óc xét đoán sự vật, là sự sáng suốt minh mẫn để hiểu được đạo lý. Muốn có trí quá trình nhận thức phải qua các giai đoạn: quan sát sự vật hiện tượng để biết các thuộc tính của nó, trên cơ sở đó giúp ta hiểu biết một cách thấu đáo các thuộc tính bản chất, từ đó rút ra kết luận đúng đắn, sau cùng phải làm cho mình tin tưởng vào kết luận đó.

Để trở thành người có trí phải kiên trì nhẫn nại, không tự kiêu, không dấu dốt, học ở mọi người mọi nơi mọi lúc .

Học phải suy nghĩ. Học phải rộng nhưng suy nghĩ phải thiết thực, gần gũi với cuộc sống.

            Tín:

            Chữ tín chủ yếu có hai nội dung: đó là sự tin tưởng của người khác đối với mình và sự trung thực của mình đối với người khác.

Chữ tín là mối quan hệ tương hỗ giữa người với người, lấy sự tin tưởng lẫn nhau làm dây liên kết con người trong xã hội. Muốn giữ được chữ tín con người phải làm trước nói sau, làm nhiều nói ít, phải biết tự vấn xấu hổ khi nói quá những gì mình làm được.

Khổng Tử khẳng định: "Người không có tín như xe lớn không có đòn thẳng, xe nhỏ không có đòn ngang thì lăn thế nào được".

Về phương pháp giáo dục

            Phương pháp nêu gương

Khổng Tử quan niệm: Phải lấy bản thân mình làm gương sáng để cảm hoá học sinh. Để thực hiện nó, trong cuộc sống hàng ngày Khổng Tử rất chú trọng từ hành xử đến việc nghiên cứu học tập của bản thân nhằm tác động đến môn đệ.

            Giảng dạy phù hợp với đối tượng

            Khổng Tử nắm bắt rất cụ thể đặc điểm của từng học sinh, vì thế trong quá trình dạy học Khổng Tử có thể cùng một vấn đề nhưng giảng giải mỗi người mỗi khác.

            Tri thức gắn với thực tiễn

Mục đích của Khổng Tử khi dạy là giúp học trò vận dụng những hiểu biết để vận dụng trong cuộc sống, trở thành người quân tử, người quản lý xã hội. Ông cho rằng kết quả của việc học phải được thể hiện qua hành động của họ.

            Phát huy tính tích cực chủ động của học sinh

Phương pháp này được ông thể hiện bằng cách:

Thường nêu ra những câu hỏi gợi mở để giúp học sinh nắm bắt được đầu mối của vấn đề, từ đó kích thích sự ham hiểu biết đến cao độ, khi đó mới giảng dạy.

Yêu cầu học sinh kết hợp giữa học và suy nghĩ, phải chủ động suy nghĩ, hỏi thật nhiều.

            Phương pháp ôn tập thường xuyên, kiểm tra học tập

Công việc học tập như đắp trái núi, mỗi ngày một ít, kiên trì nhẫn nại thì sẽ thành núi.

Kết luận

 trong lịch sử giáo dục phương Đông, Khổng Tử là người đầu tiên xây dựng một nội dung dạy học và phương pháp dạy học tương đối hệ thống, nhiều điều tiến bộ, đến nay vẫn còn giá trị. Tư tưởng của Khổng Tử là nền tảng cho các thế hệ học trò của ông kế thừa, phát triển để tạo nên một Nho giáo đồ sộ chi phối gần như toàn bộ nền giáo dục phương Đông. Bên cạnh đó việc thành lập tư học cũng là một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục, lần đầu tiên đưa giáo dục đến cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ những đóng góp to lớn đó Ông được tôn vinh là ông tổ của nền giáo dục phương Đông.          

Tuy vậy, do ảnh hưởng của lịch sử, của tính giai cấp và còn có những điều chưa chặt chẽ trong lập luận nên các giai cấp thống trị đời sau thường lợi dụng quan điểm của ông, thêm thắt vào để lập luận, khai thác tính duy tâm, siêu hình, tính bắt buộc của lễ giáo...nhằm phục vụ cho quyền lợi của giai cấp thống trị. Vì thế nhiều người đời sau cho rằng tư tưởng của ông quá khắt khe và đối lập với quyền lợi của nhân dân lao động.

Ngày nay, gạt bỏ những yếu tố duy tâm và tư tưởng phong kiến trong quan điểm của Khổng Tử, nhiều nhà giáo dục trên thế giới đã nghiên cứu và đánh giá cao những giá trị trường tồn trong quan điểm của ông. Những giá trị đó được vận dụng không chỉ trong lĩnh vực dạy học mà đặc biệt được đề cao trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Chúng ta tin rằng, không phải chỉ trong chế độ phong kiến mà cả trong hiện tại và tương lai, những quan điểm tiến bộ trong quan điểm của Khổng Tử vẫn được nghiên cứu, khẳng định và vận dụng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhân loại.

(Theo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lê Ngọc Anh; “ Nhân” trong luận ngữ của Khổng Tử; Tạp chí Triết học

Các bài giảng về Khổng Tử)

Copyrigcht © 2013 Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh