^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Việc tìm tòi, thiết kế bài dạy theo hướng phát huy tính tích cực của cá nhân thông qua việc thiết kế nội dung bài giảng theo module học chế tín chỉ còn khá mới mẻ ở nước ta. Nhiều người băn khoăn với những câu hỏi như: Module dạy học là gì? Nhận biết chúng bằng cách nào? Biên soạn từng nội dung của môn học theo module dạy học như thế nào? Qua bài viết này xin được chia sẻ một số kinh nghiệm.
1. Module dạy học
Module dạy học là một đơn vị chương trình dạy học tương đối độc lập được cấu trúc đặc biệt nhằm phục vụ cho người học và chứa đựng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học cũng như hệ thống các công cụ đánh giá kết quả tạo thành một chỉnh thể. Mỗi module gồm các tiểu module, là các thành phần cấu trúc module được xây dựng tương ứng với các nhiệm vụ học tập mà người học phải thực hiện.
Sinh viên Lào trong giờ thực hành ở Trường Đại học Hà Tĩnh
2. Những đặc trưng cơ bản của module dạy học
2.1. Tính trọn vẹn
Mỗi module dạy học mang một chủ đề xác định từ đó xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện do vậy nó không phụ thuộc vào nội dung đã có và sẽ có sau nó. Tính trọn vẹn là dấu hiệu bản chất của module dạy học thể hiện sự độc đáo khi xây dựng nội dung dạy học.
2.2. Tính cá biệt (tính cá nhân hóa)
Tính cá biệt nghĩa là chú ý tới trình độ nhận thức và các điều kiện khác nhau của người học. Module dạy học có khả năng cung cấp cho người học nhiều cơ hội để có thể học tập theo nhịp độ của cá nhân, việc học tập được cá thể hóa và phân hóa cao độ.
2.3. Tính tích hợp
Tính tích hợp là đặc tính căn bản tạo nên tính chỉnh thể tính liên kết và tính phát triển của module dạy học. Trước hết mỗi module dạy học đều là sự tích hợp giữa lý thuyết và thực hành cũng như các yếu tố của quá trình dạy học.
2.4. Tính phát triển
Module dạy học được thiết kế theo hướng "mở" tạo ra cho nó khả năng dung nạp - bổ sung những nội dung mang tính cập nhật. Vì thế module dạy học luôn có tính "động" tính "phát triển"..
2.5. Tính tự kiểm tra, đánh giá
Quy trình thực hiện một module dạy học được đánh giá thường xuyên bằng hệ thống câu hỏi dạng test diễn ra trong suốt quá trình thực hiện module dạy học nhằm tăng thêm động cơ cho người học.
3. Quy trình thiết kế môn học theo module dạy học
3.1. Cấu trúc của một module dạy học
3.1.1. Hệ vào của module
Hệ vào của module thực hiện chức năng đánh giá về điều kiện tiên quyết của người học trong mối quan hệ với các mục tiêu dạy học của module. Tùy theo mức độ của mối quan hệ người học sẽ nhận thức được những hữu ích của nó hoặc là họ sẽ tiếp tục học module hoặc là đi tìm một module khác phù hợp hơn.
Căn cứ vào chức năng trên có thể nhận thấy các thành phần của hệ vào bao gồm:Tên gọi hay tiêu đề của module, Hệ thống mục tiêu của module, Test vào module: Nhằm kiểm tra điều kiện tiên quyết của một người học tương ứng với các mục tiêu của module, Những khuyến cáo dành cho người học sau khi họ tham dự test.
3.1.2.Thân của module
Thân module bao gồm một loạt các tiểu module (TM) tương ứng với các mục tiêu đã được xác định ở hệ vào của module. Cũng có trường hợp thân của module tương ứng với một tiểu module duy nhất. Các tiểu module liên kết với nhau bởi các test trung gian và đều cần đến một thời gian học tập nhất định.
Các tiểu module được cấu trúc bởi các thành phần.
* Mở đầu: Xác định những mục tiêu cụ thể của tiểu module, cung cấp cho người học những tri thức điểm tựa và huy động kinh nghiệm đã có của người học cung cấp cho người học các con đường để giải quyết vấn đề nhận thức để họ tự lựa chọn.
* Nội dung và phương pháp học tập: Qua đó người học sẽ tiếp thu được một số mục tiêu cụ thể của tiểu module.
* Test trung gian: Đánh giá xem người học đã đạt được đến mức độ nào đối với các mục tiêu của tiểu module và kết quả của test có thể được xem như điều kiện tiên quyết để người học thực hiện tiểu module tiếp theo. Khi cần thiết thân module còn được bổ sung các module phụ đạo giúp người học bổ sung kiến thức còn thiếu, sửa chữa sai sót và ôn tập.
3.1.4. Hệ ra của thân module:
Hệ ra của thân module thực hiện nhằm thực hiện chức năng tổng kết các tri thức, kỹ năng, thái độ của người học được thực hiện trong module và chỉ dẫn cho người học để họ có thể tìm những module tiếp theo hoặc phụ đạo để làm sâu sắc thêm những gì họ quan tâm đối với module.
Hệ ra của module bao gồm: Một bản tổng kết chung,Test kết thúc, Hệ thống chỉ dẫn để tiếp tục học tập tuỳ theo kết quả học tập module của người học. Nếu đạt tất cả các mục tiêu của module người học sẽ chuyển sang học tập module tiếp theo, Hệ thống hướng dẫn dành cho người dạy và người học
3.2. Quy trình thiết kế chương trình theo module dạy học
Quá trình thiết kế chương trình dạy học theo module gồm các bước sau:
3.2.1. Phân tích chương trình môn học
Đây là bước đầu tiên của quá trình thiết kế chương trình môn học, bao gồm việc xác định nội dung, vị trí chức năng của môn học trong tổng thể. nhận thức các mục tiêu và các nội dung của môn học cùng với các điều kiện.
- Xác định các module
Đây là bước thứ hai của quy trình thiết kế bao gồm việc xác định tên, số lượng các module được hình thành về chương trình môn học. Từ các chủ đề đã xác định, nhà thiết kế đặt tên cho module. Tên của module có thể trùng hoặc khác với tên của các chủ đề. Số lượng của module thường bằng với số lượng các chủ đề có thể xác định thêm các module phụ và module chuyên sâu như là nội dung tham khảo. Đồng thời cũng cần chỉ ra vị trí và kỹ năng thực hiện các module (chi tiết hoá vị trí các module).
- Biên soạn module
Biên soạn module chính là xây dựng các module dạy học dựa trên module cấu trúc đã xác định. Biên soạn module dạy học bao gồm:
Xác định mục tiêu của module: Mục tiêu phải được trình bày bằng các động từ có thể lượng hoá được (như viết lại được, phân tích được, phân biệt được, giải thích được ) không nên dùng các động từ khó định lượng (như nắm được, hiểu rõ, biết được).
Xác định các tiểu module: Mỗi module có thể gồm một hoặc một số tiểu module.
Xây dựng hệ thống test đánh giá và các chỉ dẫn thực hiện module .
- Thử nghiệm và đánh giá module
Thực hiện module để đánh giá khả thi và hiệu quả của module đã xác định. Có thể sơ đồ hoá quy trình thiết kế bài dạy theo module như sau:
4. Minh họa một tiết dạy ở học phần Lý luận dạy học và Lý luận giáo dục (Phần lý luận giáo dục)
Module 1: Khái niệm về nguyên tắc giáo dục
* Hệ vào
4.1. Mục tiêu của module: Sinh viên học xong module này cần đạt được các mục tiêu sau:
4.1.1. Học để biết:
Biết được nguyên tắc giáo dục là những luận điểm được chọn lọc và khái quát từ lý thuyết về bản chất con người, bản chất quá trình giáo dục có vai trò định hướng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm làm cho quá trình giáo dục đạt mục tiêu đã đề ra.
4.1.2. Học để làm:
Vận dụng linh hoạt các nguyên tắc giáo dục vào các tình huống giáo dục cụ thể.
4.1.3. Học để tự khẳng định mình:
Biết được bản chất con người là tham gia vào các hoạt động nên bản thân cần tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục để hoàn thiện nhân cách bản thân.
4.1.4. Học để chung sống:
Hoạt động giáo dục cần phải dựa vào các nguyên tắc chính vì vậy cần phải nắm vững các nguyên tắc.
4.2. Tiểu module: Module này không chia thành các tiểu module mà chỉ có một module duy nhất: Khái niệm nguyên tắc giáo dục.
4.3. Test vào:
a. Trong cuộc sống bạn tự đánh giá mình là người sống như thế nào?
b. Bạn hãy nhắc lại khái niệm về nguyên tắc dạy học?
c. Theo bạn, vì sao trong dạy học phải sử dụng các nguyên tắc?
d. Theo bạn các nguyên tắc đó có bất biến không?
e. Để các nguyên tắc đó trong dạy học mang lại hiệu quả người giáo viên cần phải làm gì?
* Thân module
- Sinh viên thảo luận tình huống sau: “Cô đã đặt sẵn rồi”.
Trong buổi sinh hoạt lớp 12A, cô chủ nhiệm nói với lớp:
- Quỹ lớp chúng ta còn nhiều, cô đề nghị lớp chúng ta tổ chức liên hoan nhân dịp 20/11 này. Chúng ta tổ chức liên hoan sớm, một mặt để chúc mừng các thày cô giáo trong trường, mặt khác để có thể mời được cô N - chủ nhiệm năm lớp 10 và 11 cũ của các em (cô N sắp sinh em bé).
- Cả lớp: Vâng ạ!
- Cô lại nói tiếp: Cô đã nhờ cô K mua quà, ngày mai lớp trưởng đi với cô còn buổi tiệc thì cô đã đặt sẵn rồi. (SP lý - k2000 - TTGDTX Bạc Liêu).
Hỏi:
1. Buổi liên hoan nhân ngày 20.11 của lớp 12A được giáo viên chủ nhiệm lớp đứng ra tổ chức như vậy đã hợp lý chưa? Vì sao?
2. Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm lớp nên làm gì để buổi liên hoan này của tập thể lớp mình đạt hiệu quả?
Sinh viên suy nghĩ, trả lời, giáo viên trình bày:
Nguyên tắc giáo dục là hệ thống những luận điểm có tính tiền đề của lý luận giáo dục có vai trò định hướng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, chỉ dẫn việc xây dựng lựa chọn mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện và các hình thức tổ chức giáo dục nhằm làm cho quá trình giáo dục đạt được mục tiêu đã đề ra.
* Hệ ra(Test kết thúc): Bạn hãy đánh dấu (x) vào 01 đáp án mà bạn cho là đúng nhất:
+ Test 1: Câu nào là đúng nhất về nguyên tắc giáo dục ?
a. Nội quy, quy định của nhà trường
b. Những điều khoản thoả thuận giữa nhà trường và hội phụ huynh
c. Luận điểm gốc của lý luận giáo dục có vai trò chỉ dẫn toàn bộ quá trình giáo dục trong nhà trường.
+ Test 2: Vai trò quan trọng nhất của nguyên tắc giáo dục là gì?
a. Định hướng trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục
b. Tổ chức, lựa chọn các hoạt động giáo dục
c. Lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện
+ Test 3: Cơ sở nào là quan trọng nhất để hình thành nguyên tắc giáo dục?
a. Bản chất quá trình giáo dục
b. Lý thuyết về bản chất con người
c. Quy luật của quá trình giáo dục
+ Test 4: Nguyên tắc giáo dục được chứng minh bằng con đường nào là quan trọng nhất?
a. Thực tiễn giáo dục
b. Kinh nghiệm giáo dục
c. Kinh nghiệm quản lý
+ Test 5: Nguyên tắc giáo dục được hiểu trên bình diện nào là đúng nhất?
a. Bình diện lý thuyết
b. Bình diện thực tế
c. Cả hai bình diện trên
Đáp án đúng: c, a, b,a, c
TÀI LIÊU THAM KHẢO
1. Trần Ngọc Chuyên (1994), Cách soạn thảo một đơn vị học thuật module, Viện nghiên cứu Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, HN.
2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).
3. Phan Thị Hồng Vinh (2007), Xây dựng, phát triển và quản lý chương trình dạy học,Nxb ĐHQG HN, HN.
4. Viện Nghiên cứu đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (1993), Modun kỹ năng hành nghề, Nxb Khoa học và Kỷ thuật, HN.