^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
“Xét lại bản án nàng Kiều” là một trong những bài hoạ nổi tiếng, độc đáo của thầy giáo Đinh Chí, một người thầy nổi tiếng ở đất Hồng Lam, được truyền tụng từ lâu trong cả nước. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của thầy nhân kỷ niệm 250 ngày sinh của Nguyễn Du, Đại thi hào, danh nhân văn hoá thế giới.
Nguyễn Công Trứ biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, là danh nhân đất Việt. Về phương diện văn chương thì thơ văn của đã đi vào lòng người, nên có thể nói đã trở thành bất hủ.
Nguyễn Công Trứ không khinh phụ nữ. Ông rất mê đàn bà đẹp. Chỉ có điều đáng tiếc là đúng như câu tục ngữ “Đèn cọc tối chân”. Nói về chuyện tà dâm thì ông là người số một, mà làm thơ Vịnh Kiều thì bài thơ của ông là một bản án quá nặng.
Trong lịch sử, có những người thương Kiều như Mộng Liên Đường: “Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu /Bạc mệnh cầm chung oán hận trường…”. Hoặc như Tôn Thọ Tường: “Xem gương kim cổ, thương mà trách /Chẳng trách chi Kiều, trách hoá công…”.Có người mỉa mai Kiều như Tản Đà:“Sè sè nắm đất bờ sông nọ/Hồn có nghe xa mấy giọng đàn…” Hoặc như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ: “…Tiếp khách mượn màu son phấn mụ/Bán mình chuốc lấy tội tình cha”.
Có người còn lên án Kiều như cụ Huỳnh Thúc Kháng:
Theo trai gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ thành thân khiếp ngựa trâu
Nghiêng nước trận cười, gương mấy kiếp
Đắm người bỉ sắc tội ngàn sâu ý
Mỗi người có hoàn cảnh riêng và họ làm thơ đều có lý do chính đáng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sỹ yêu nước. Cụ đả Kiều thực chất là đả Phạm Quỳnh, người mà hồi đó cho là theo Tây, bán nước. Cụ Nguyễn Khuyến mỉa Kiều là để mỉa Kiều là để mỉa mai toàn bộ lũ quan tham thời bấy giờ:
“…Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a!…
Chỉ riêng Nguyễn Công Trứ thì chẳng có lý do gì để ghét Kiều. Ông không biết trách mình mà lại trách người, không xử thế theo đạo lý của người quân tử: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ông không đêm xỉa gì đến hoàn cảnh phải vào lầu xanh của Kiều. Ông tự do đi lại với gái coi đó là một thú vui:
“Riêng một thú thanh xuân đi lại
Chỉ ngay ngây dại dại với tình…”
Trái lại, Kiều coi việc tiếp khách là một sỷ nhục. Lần thứ nhất phải vào lầu xanh , nàng nói với cha mẹ:
“… Dặm nước thẳm non xa
Biết đâu thân phận con ra thế này…!”
Lần thứ hai, bị Bạc Hạnh, Bạc Bà lừa phải vào lầu xanh, nang căm giận đến mức chửi cả số phận, tức là chửi Trời:
“…Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!…”
Truyện Kiều sống mãi với thời gian, với dân tộc vì Đại thi hào chúng ta “đổ máu làm mực” viết nên một kiệt tác không tiền khoáng hậu (trước đã không có, sau lại càng không có). Đặt tên cho tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, tác giả muốn chịu đựng cùng nhân vật chính của mình những nổi đau dứt ruột:
“Người sao hiếu nghĩa đủ đường
Kiếp sao chịu những đoạn trường thế thôi!...”
Điều không thể hiểu nổi là quê hương, cùng là nhà nho phong kiến, sống cùng thời Nguyễn Công Trứ chỉ sinh sau Nguyễn Du 13 năm) hai thi hào cùng họ Nguyễn lại có hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau đối với một cô gái hồng nhan. Thơ Nguyễn Công Trứ:
“…Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”…
Bất bình trước sự đánh gía sai lệch của Nguyễn Công Trứ đối với Kiều từ mấy chục năm nay, tôi đã có ý định làm một bài “Chiêu Tuyết” rửa oan và rửa hờn cho Kiều (rehabiliter).
Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi thấy cách tốt nhất là hoạ nguyên văn, giữ đúng vần nhưng dung từ và lập luận hoàn toàn đối lập với bài Vịnh Kiều của Nguyễn Công Trứ, cử như Nguyễn Công Trứ dung chữ kiều nhi là con Kiều có ý khinh bỉ, tôi dung chữ Kiều nương là nàng Kiều tỏ ý kính trọng.
Bài hoạ của tôi lấy đề mục, “Xét lại bản án nàng Kiều”, được Tạp chí Văn nghệ Hà Tĩnh đăng số tháng Một và Hai năm 2001 trang 40. Hồi đó vì quá choáng ngợp trước tài và uy danh của Uy viễn tướng công, tôi không dám nêu tên mình là tác giả chỉ ghi là sưu tầm. Nay thì bài đã được phổ biến hầu khắp Hà Tĩnh, học trò tôi lại đem bài của thầy truyền đi khắp toàn quốc. Năm 2008, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Hội học sinh cũ của Trường Phan Đình Phùng ở Hà Nội, nay hầu hết là giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà thơ, tổ chức một cuộc hội ngộ thầy trò. Bài của tôi được thu vào đĩa, Bài hoạ của tôi vừa đọc xong, những tràng vỗ tay nhiệt liệt vừa chấm dứt, anh Nguyễn Thái Hoà một người bạn cũ, cùng dạy với tôi ở Trường Phan Đình Phùng cách đây 52 năm, nay đã là PGS, TS Khoa Văn có tiếng tăm Trường Đại học sư phạm Hà Nội đứng dậy và nói: “Hay, rất hay! Với bài hoạ này, ông Đinh Chí xứng đáng được gọi là kẻ sỹ”.
Để bạn đọc đối chiếu, bình phẩm và thưởng thức, tôi xin ghi cả hai bài ra đây:
Bài 1: Kim Lang VỊNH KIỀU
Vẫn biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm long vàng
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa với Kim Lang
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình ừ cũng phải
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu
Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán, ong chường cho đến thế
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai
Nghĩ đời mà ngán cho đời.
Nguyễn Công Trứ
Bài 2: XÉT LẠI BẢN ÁN NÀNG KIỀU
(Hoạ nguyên văn bài vịnh Kiều của Nguyễn Công Trứ)
Theo lẽ má hồng thời phận bạc
Khen Kiều nương giữ vẹn tấm long vàng
Cậy em mình trả được nghĩa Kim lang
Xét tình hiếu vẹn toàn là phải
Duyên may gặp anh hùng Từ Hải
Lúc lầm đường trở lại chốn thanh lâu
Nên oán ân từ những tận đâu đâu
Đều trả sạch trước khi rời cõi thế
Tự gieo mình để giữ tròn tiết nghĩa
Lỡ phụ chồng nào phải tội tà dâm
Ngậm hờn chừng bấy nhiêu năm
Lòng ngay, ai muốn hiểu lầm mặc ai
Nghĩ đời mà khó cho đời.
Đinh Chí
Câu kết về bài Vịnh Kiều của Nguyễn Công Trứ, tôi xin mượn câu thành ngữ Trung Quốc: “Ngu giả thiên lự tất hữu tất đắc; trí giả thiên lự tất hữu nhất nhất” (Người ngu đến mấy trong một nghìn lần suy nghĩ sẽ có một lần nghĩ đúng. Người tài giỏi đến mấy trong một 1000 lần suy nghĩ cũng phải có một phần nghĩa sai. Vịnh Kiều của Nguyễn Công trứ là một phần trong ngàn lời thơ ca ngợi ông!
Địa chỉ liên hệ:
Đinh Chí, Giáo viên nghỉ hưu Làng Thượng Ích, Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Điện thoại: DĐ: 01666093020