^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Một trong những nét đặc thù trong hoạt động học của sinh viên là yêu cầu cao đối với nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở tư duy độc lập. Điều này đã được thể chế hóa trong Luật giáo dục 2005 (sửa đổi 2009) như sau: “Phương pháp đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng ý thức tự giác trong học tập, năng lực tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.”
Để thực hiện hoạt động tự học, sinh viên bắt buộc phải thực hiện phương pháp học qua đọc tài liệu. Đọc tài liệu giúp người học mở rộng, đào sâu tri thức, nẩy sinh các ý tưởng mới, tăng cường tính tích cực học tập...Tuy nhiên trong thực tiễn không phải sinh viên nào cũng tích cực đọc, và không phải ai đọc nhiều cũng thu được khối lượng và chất lượng thông tin quí báu. Về phía giảng viên, vẫn còn có những người coi việc đọc tài liệu của sinh viên chỉ là kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động học, vì thế không yêu cầu cao và hướng dẫn chu đáo cho các em cách đọc với tư cách là một phương pháp học tập hữu ích. Như vậy, vấn đề đặt ra là hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu như thế nào để trở thành phương pháp học tập? Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một trong những cách thức hướng dẫn đọc, đó là hướng dẫn đọc theo các nhiệm vụ học tập.
Tùy thuộc vào nhiệm vụ học tập mà người dạy có những cách thức hướng dẫn khác nhau:
- Đọc tài liệu để tìm kiếm những thông tin hấp dẫn: Trong trường hợp này giảng viên nên gợi ý và giới thiệu một phần về những điều hấp dẫn trong nội dung cần đọc, ở bài học có nội dung liên quan tiếp theo cần tiếp tục đề cập đến và kiểm tra kết quả đọc của sinh viên.
- Sắp xếp tài liệu để tạo ra hình thức mới: Để phục vụ cho việc giải quyết một nhiệm vụ học tập nào đó, nhiều khi tài liệu học tập cần phải cấu trúc lại từ một hoặc nhiều tài liệu khác. Trong trường hợp này giảng viên nên yêu cầu sinh viên xây dựng đề cương cho nội dung tài liệu, sau đó đọc để lựa chọn và sắp xếp tài liệu.
- Đọc để tìm kiếm thông tin: Đây là trường hợp giảng viên yêu cầu sinh viên đọc và xác định thông tin cụ thể nào đó trong tài liệu. Trường hợp này cần có địa chỉ tài liệu cụ thể.
- Đọc để nhận xét: Trường hợp này yêu cầu sinh viên đọc theo con mắt của người phán xét, đánh giá: Quan điểm của tác giả là gì? Tác giả biện luận như thế nào? Tính chất thuyết phục của quan điểm đó? Những biện luận còn thiếu sự kiện gì? Bằng chứng nào chống lại quan điểm đó... đây là những câu hỏi cần đặt ra để gợi ý cho sinh viên.
- Trình bày lại: Trường hợp này cần yêu cầu sinh viên làm việc theo nhóm và đọc nhiều tài liệu trong cùng một chủ đề, sau đó trình bày lại trước tập thể. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách phân tích tài liệu, dự kiến các ý kiến phản hồi của các sinh viên khác để chuẩn bị phương án bảo vệ ý kiến của cá nhân hoặc của nhóm.
- Thảo luận: Yêu cầu sinh viên đọc và chuẩn bị tài liệu để thảo luận tại lớp. Giảng viên đưa ra vấn đề, yêu cầu mọi học viên phải đọc các tài liệu liên quan với những câu hỏi gợi ý như: các tác giả bàn về vấn đề này như thế nào? luận điểm nào thuyết phục? phương pháp thực hiện như thế nào là tối ưu, sẽ có những ý kiến phản bác như thế nào?... Trong các nhiệm vụ đọc tài liệu thì đây là nhiệm vụ khó khăn nên cần có nhiều thời gian cho sinh viên tự học và cần có sự hướng dẫn chu đáo về cách đọc cũng như tài liệu cần đọc cho các em.
- Đọc để làm bài tập lớn, tiểu luận, đề tài, luận án: Mục đích chủ yếu của những dạng bài tập này là tạo điều kiện giúp sinh viên tập dượt và hình thành các kỹ năng độc lập nghiên cứu. Với đối tượng này các em đã có kỹ năng đọc tài liệu nên giảng viên không nhất thiết phải hướng dẫn chi tiết mà chỉ giới thiệu những tài liệu cần đọc và kiểm soát kết quả đọc tài liệu của sinh viên để kịp thời có phương án điều chỉnh hoạt động cho các em theo đúng định hướng nghiên cứu.
Ngày nay, sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu giúp cho nguồn tài liệu của sinh viên trở nên không giới hạn, tuy nhiên vấn đề quan trọng là lựa chọn những tài liệu nào và xử lý thông tin như thế nào? Một trong những điều kiện giúp sinh viên chủ động hơn trong khi đọc là được hướng dẫn cách thức đọc phù hợp với nhiệm vụ học tập. Tuy nhiên để thực hiện tốt điều này vai trò của giảng viên vẫn chưa mang tính quyết định mà rất cần sự chủ động của mỗi một sinh viên với tư cách là chủ thể của hoạt động học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật giáo dục 2005 (sửa đổi 2009)
2. Phan Trọng Ngọ, Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, NXB ĐHSP, 2005.