^Back To Top
Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...
Giáo sư, Tiến sỹ vật lý, nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ quê ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi mới tuổi 25, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ là một chuyên gia đầu ngành, một trong những nhà vật lý giỏi đầu tiên ở nước ta, là cộng tác viên khoa học trẻ nhất và trưởng đoàn cán bộ khoa học Việt Nam tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúpna Liên Xô.
Ở tuổi chưa đầy 30, Nguyễn Đình Tứ đã thay mặt tập thể các nhà vật lý quốc tế Đúpna đến Geneve báo cáo tại Hội nghị đầu tiên của thế giới về năng lượng nguyên tử phục vụ hoà bình, là người đứng cùng 13 nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện ra bằng thực nghiệm phản xạ xích ma âm hyrepon chưa từng biết trước đây, làm phong phú thêm nhận thức của loài người đối với thế giới bí ẩn của cấu trúc nguyên tử. Các phương pháp thực nghiệm, các thuật toán, chương trình xử lý số liệu do giáo sư xây dựng thời ấy cho những thí nghiệm ở nhà máy gia tốc Secpukhốp và Đúpna đến bây giờ vẫn còn được sử dụng. Những đóng góp xuất sắc về nghiên cứu hạt nhân của nhà khoa học ở độ tuổi còn rất trẻ đã có tiếng vang thế giới và được các nhà khoa học, các bạn bè, đồng nghiệp quốc tế kính trọng.
Giáo sư Nguyễn Đình Tứ là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhà giáo, nhà khoa, nhà hoạt động xã hội, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.
Giáo sư Nguyễn Đình Tứ tham gia nhiều hoạt động xã hội và giữ nhiều trọng trách trong Nhà nước và Trung ương: Tháng 7 năm 1971, Giáo sư về nước phục vụ và lần lượt được cử làm Chủ nhiệm Khoa học vật lý; Phó hiệu trưởng, bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (7/1971 –3/1976), Thứ trưởng (4/1976 – 6/1976), rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (6/1976 – 2/1987). Nguyễn Đình Tứ là đại biểu Quốc hội khoá VI,VII,VIII, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Nguyễn Đình Tứ được bầu làm Uỷ viên dự khuyết, tại Đại hội V được bầu làm Uỷ viên Trung ương rồi Bí thư Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, và Đại hội VIII được bầu vào Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Nguyễn Đình Tứ là một nhà lãnh đạo tận tâm đã xây dựng thành công một hệ thống các Ban Khoa giáo khắp nước, là trung tâm đoàn kết các nhà khoa học, trí thức, nhà giáo... đã thu phục lòng người bằng đức khiêm tốn, giản dị, trung thực, tận tuỵ, mẫu mực.
Nguyễn Đình Tứ là một nhà khoa học chân chính, luôn say mê nghiên cứu khoa học từ khi còn là một học sinh cho đến khi là Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị. Ông đã để lại cho đời trên 40 công trình nghiên cứu có giá trị hết sức phong phú, đa dạng.
Là Bộ trưởng đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (sau này là Bộ Giáo dục và Đào tạo) Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã đóng góp nhiều công lao xây dựng và phát triển ngành giáo dục và đào tạo. Ông không chỉ là một người đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp khoa học giáo dục, cho sự lớn mạnh của đội ngũ tri thức Việt Nam mà còn góp phần cho ra đời nhiều chủ trương quan trọng, trong đó có chủ trương cho tổ chức đào tạo sau đại học, đào tạo tiến sỹ, phó tiến sỹ, bắt đầu sử dụng công nghệ và phương tiện hiện đại(máy tính IBM) vào công tác tuyển sinh,người đă đặt nền móng cho cho sự nghiệp phong học hàm (nay là chức danh) giáo sư và phó giáo sư.
Nguyễn Đình Tứ là một nhà khoa học lớn và đã có những cống hiến lớn cho khoa học không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới. Năm 1961, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng khoa học Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna. Chính phủ Liên Xô năm 1968 đã cấp bằng phát minh cho công trình và nhóm các tác giả quốc tế, trong đó có “công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nguyễn Đình Tứ”.
Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000), vinh dự mà Nhà nước và nhân dân trao tặng không chỉ cho một nhà vật lý nổi tiếng với những đóng góp xuất sắc trong những phát minh khoa học mà cho cả người công dân Nguyễn Đình Tứ đã gắn bó cuộc đời, sự nghiệp cá nhân mình với trách nhiệm đối với đất nước, quê hương.
Công trình khoa học chính: Cụm công trình nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt Hyperon sigma âm.(Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000):