^Back To Top

  • 1 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những cung đường Tây Bắc uốn lượn bên cạnh đồi núi ruộng bậc thang tạo nên khung cảnh núi rừng hùng vĩ và ngút ngàn khiến du khách nào đặt chân đến cũng phải trầm trồ. (Tác giả: Trần Trung Hậu)
  • 2 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những mùa hoa miền núi phía Bắc Việt Nam đã làm say lòng biết bao du khách trong và ngoài nước. Một trong số những điểm đến đẹp nhất để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên này chính là Hà Giang, mảnh đất địa đầu tổ quốc. (Tác giả: Phạm Thị Thu Hà)
  • 3 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nói đến những thác nước đẹp của Việt Nam không thể bỏ qua cái tên Bản Giốc, Cao Bằng. Tới đây du khách sẽ được thỏa thích ngắm nhìn cảnh sắc hùng vỹ và thơ mộng của từng dòng thác từ trên cao đổ xuống sông Quây Sơn trong xanh, êm đềm dưới chân thác đẹp như một bức tranh thủy mặc. (Tác giả: Bùi Tuấn Hùng)
  • 4 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm khi những cánh đồng lúa nước bắt đầu trổ bông, tô màu vàng rực rỡ cho đôi bờ dòng sông Ngô Đồng cũng là lúc du khách hay các nhiếp ảnh gia khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng và "săn" hình. (Tác giả: Nguyễn Văn Khánh)
  • 5 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nếu đã từng đến với mảnh đất Đà Lạt, ngoài vẻ đẹp rực rỡ của ngàn hoa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên về khoảng khắc nắng mai ngập tràn trên những rừng thông. (Tác giả: Thái Bình Minh)
Tư vấn

Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...


Bộ môn Tâm lý - Giáo dục

Trường Đại học Hà Tĩnh

1. Mục đích, nhiệm vụ, vai trò của trị liệu tâm lý

1.1. Mục tiêu của trị liệu tâm lý

Mục tiêu của trị liệu tâm lý là một phức hợp những yêu cầu, những đòi hỏi từ việc làm giảm triệu chứng (dẫn đến giảm tính bất thường, khôi phục lại các chức năng tâm lý bình thường vốn có) cho đến việc điều chỉnh thay đổi những thói quen, những thuộc tính của nhân cách nhằm loại trừ không chỉ triệu chứng mà còn nhằm ngăn chặn khả năng mắc lại trong tương lai.

Thân chủ (hay người bệnh) tìm gặp bác sỹ tâm lý nhờ chữa một triệu chứng nào đó (chẳng hạn, mất ngủ hay lo âu). Như vậy yêu cầu tối thiểu là làm giảm hay xoá bỏ triệu chứng, nhưng lo âu, mất ngủ có nhiều nguyên nhân, muốn loại bỏ những rối nhiễu này nhiều khi cần đến những thay đổi sâu sắc về thói quen, cách sống, tức là những cơ cấu và cơ chế tâm lý đã hình thành trước đó gây ra triệu chứng… Như vậy mục tiêu của trị liệu là một tổ hợp những yêu cầu tới các mức độ khác nhau, có thể chia thành các nhóm sau đây:

– Thuyên giảm triệu chứng.

– Điều chỉnh xây dựng lại những mối quan hệ nhân cách bị rối nhiễu.

– Phát triển các kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề nhằm tạo khả năng thích nghi tốt nhất trong môi trường trẻ đang sống.

Việc đánh giá hiệu quả của trị liệu cũng nên dựa vào những tiêu chuẩn này

Nhiệm vụ của trị liệu tâm lý:

Quá trình can thiệp trị liệu tâm lý liên quan đến bốn nhiệm vụ sau đây:

– Thăm khám, hỏi chuyện để xác định bệnh nguyên: tìm hiểu bản chất rối nhiễu, nguyên nhân, nguồn gốc, hoàn cảnh phát sinh những rối nhiễu hay rối loạn tâm trí này. Dựa trên những biểu hiện về triệu chứng, xây dựng một hay nhiều giả thuyết về nguồn gốc có thể có của bệnh lý. Sau đó truy tìm các căn nguyên cụ thể– những yếu tố đã và đang duy trì trạng thái rối nhiễu.

– Chẩn đoán– đánh giá phân loại: dựa theo những tiêu chuẩn được quốc tế qui định như (DSM–IV hoặc ICD–IO) để đánh giá, chẩn đoán và phân loại các rối nhiễu tâm lý hay các rối loạn tâm thần. Cần xác định cái gì bị rối nhiễu hay rối loạn, bản chất của nó, mức độ nặng nhẹ…

– Tiên lượng: đánh giá hiện trạng, đánh giá sự tiến triển, hậu quả của các rối nhiễu, từ đó sẽ cân nhắc, xác định mức độ cần thiết hay không cần thiết điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.

– Điều trị: xây dựng chương trình can thiệp – điều trị chuyên biệt. Dự kiến các liệu pháp thích hợp, tiên đoán các kết, quả điều trị, tiến hành điều chỉnh sau những tuần trị liệu đầu tiên chưa có kết quả, lôi kéo các thành viên trong gia đình người bệnh vào quá trình trị liệu. Trong trị liệu nên coi sự phối hợp giữa các bác sỹ y khoa, các bác sỹ tâm thần và các bác sỹ tâm lý là tối cần thiết. Bối cảnh điều trị được thiết lập dựa trên tính đa dạng của các hoàn cảnh khác nhau: ở bệnh viện hay ở nhà, nội trú hay ngoại trú, tại nơi xảy ra các rối nhiễu trường học hay công sở. Quá trình điều trị trên diễn ra trong điều kiện tự nhiên nhưng có kiểm soát.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là khi gặp những rối nhiễu tâm lý hay rối loạn tâm trí, ai là người có khả năng thực hiện các trị liệu tâm lý? Phải chăng rối nhiễu thì do các chuyên gia tâm lý còn rối loạn thì do các chuyên gia tâm thần?

Khi xuất hiện rối nhiễu tâm lý, phần lớn người ta tìm đến các nhà tư vấn không chuyên mà thường do các mối quan hệ quen biết, hoặc nhiều người tìm đến bố mẹ, thầy cô đồng nghiệp, cha cố hoặc các bác sỹ. Chỉ có một số rất ít người tìm đến các chuyên gia trị liệu tâm thần hay tâm lý. Thường thì khi tìm đến các nhà trị liệu chuyên nghiệp, các vấn đề tâm trí hoặc đã tồn tại dai dẳng hoặc đã trở nên nguy kịch (chẳng hạn từ rối nhiễu tâm lý đã chuyển thành rối loạn tâm thần, hoặc từ thương tổn về tâm lý đã thực thể hoá thành bệnh tâm thể).

1.2. Quan hệ “lâm sàng chủ thể” trong trị liệu tâm lý và vai trò khác nhau của các nhà trị liệu chuyên nghiệp

Trong tư liệu tâm lý, mối quan hệ giữa nhà trị liệu (thầy điều trị hay bác sỹ tâm lý) và người có rối nhiễu (người bệnh hay thân chủ) là mối quan hệ lâm sàng trên chủ thể, tức là xem thân chủ là một chủ thể trong tính đơn nhất, phát sinh rốí nhiễu trong điều kiện lịch sử, tình huống và đang tiến triển. Vì vậy việc xây dựng được mối quan hệ cởi mở, chia sẻ tin cậy và có hiểu biết cùng chủ động tham gia tích cực vào quá trình trị liệu là yếu tố cơ bản bảo đảm sự thành công của quá trình điều trị.

Nhà tâm lý trị liệu không làm việc đơn lẻ mà thường phối hợp với các chuyên gia y học (bác sỹ y khoa), bác sỹ tâm thần thành một ê kíp điều trị. Tuy nhiên vai trò của mỗi thành viên trong ê kíp này là khác nhau.

Mặc dù mục tiêu của trị liệu có thể giống nhau nhưng vai trò của các nhà trị liệu chuyên nghiệp có những điểm khác nhau:

– Các nhà tư vấn thường là các nhà tâm lý chuyên nghiệp, họ có thể đưa ra những lời khuyên về các lĩnh vực: định hướng nghề nghiệp, giáo dục con cái, xung đột gia đình, những vấn đề về học tập, lạm dụng thuốc… những chuyên gia này thường làm việc ở các văn phòng tư vấn, các trung tâm nghiên cứu…

– Các bác sỹ tâm thần là những người được đào tạo tại các trường đại học y khoa, họ đi sâu vào chuyên khoa tâm thần trong những năm cuối của khoá học, có một số bác sỹ tâm thần được đào tạo chuyên biệt sau đại học với các chuyên đề về rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm trí… Tuy nhiên sự đào tạo của các bác sỹ tâm thần gắn liền nhiều hơn với cơ sở y sinh học của các vấn đề tâm lý và họ là nhà trị liệu duy nhất có quyền kê đơn thuốc hoặc tiến hành các liệu pháp y sinh học.

– Các nhà phân tâm học là những nhà trị liệu có bằng cấp bác sỹ hoặc tiến sỹ. Nhà phân tâm học thường hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu sau đại học theo trường phái phân tâm, họ có những hiểu biết và kỹ thuật điều trị các rối nhiễu tâm trí theo cách tiếp cận phân tâm.

– Các nhà tâm lý học lâm sàng lấy bằng cử nhân tâm lý, sau đó đi sâu vào phân ngành Tâm lý học lâm sàng. Họ có kiến thức chuyên sâu về đánh giá, chẩn đoán và điều trị những rối nhiễu tâm lý hay rối loạn tâm trí. Họ lấy bằng thạc sỹ và qua khoá thực hành trị liệu tâm lý tại bệnh viện. Nhiều người đã đạt trình độ tiến sỹ (D.Psych), họ thường làm việc với các chuyên gia tâm thần tại các bệnh viện hay các trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh. Tuy nhiên những nhà tâm lý học lâm sàng có những hiểu biết chuyên sâu hơn về tâm lý học, các kỹ năng đánh giá và nghiên cứu thường rộng hơn các nhà tâm thần học. Các kỹ năng trị liệu tâm lý cũng được đào tạo chuyên hơn các nhà tâm thần học (các nhà tâm lý lâm sàng có cái nhìn chủ thể – tức là đi sâu xem xét các cấu trúc, cơ chế tâm lý đằng sau những triệu chứng). Tuy nhiên càng ngày công việc của nhà tâm lý học lâm sàng và tâm thần học càng giống nhau hơn, họ thường cần đến nhau trong một chương trình can thiệp phối hợp để nâng cao hiệu quả điều trị.

Thực tế chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn phôi thai. Hiện tại chúng ta vẫn chưa có những chương trình đào tạo cử nhân hay thạc sỹ tâm lý lâm sàng. Vì vậy hầu hết các chương trình tâm lý liệu pháp đều do các bác sỹ y khoa hay tâm thần đảm nhiệm và cũng mới chỉ thực hiện đơn lẻ, chưa thành hệ thống bài bản.

 

2. Những khuynh hướng tiếp cận chính trong trị liệu tâm lý

Có nhiều hướng tiếp cận khác nhau trong trị liệu tâm lý: tiếp cận trị liệu hệ thống, tiếp cận cấu trúc–chức năng, tiếp cận hoạt động, tiếp cận nhân văn hiện– hiện sinh, tiếp cận động thái tâm lý và tiếp cận nhận thức–hành vi… Tuy nhiên chúng tôi tập trung làm rõ ba khuynh hướng tiếp cận chính trong trị liệu tâm lý là: tiếp cận động thái tâm lý, tiếp cận nhân văn hiện– hiện sinh và tiếp cận nhận thức–hành vi. Dặc biệt trình bày sâu hơn cách tiếp cận nhận thức–hành vi mới vì cách tiếp cận này dễ ứng dụng, thời gian trị liệu ngắn và hiệu quả khá rõ ràng.

2.1. Trị liệu tâm lý theo hướng tiếp cận động thái tâm lý

Khuynh hướng này xem rối nhiễu tâm lý hay rối loạn tâm thần như là những triệu chứng bề ngoài của những sang chấn bên trong và xung đột mang tính vô thức, tố bẩm không giải quyết được từ thời thơ ấu. Việc điều trị bằng liệu pháp tâm động được phổ biến nhất là liệu pháp phân tâm (psychoanalysis) còn gọi là “trị liệu bằng trò chuyện” (Verbal therapy). Qua trò chuyện, nhà trị liệu giúp thân chủ thấu hiểu mối liên quan giữa chứng bệnh (triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài) và những xung đột không giải quyết được bị che đậy bên trong (trạng thái vô thức) có từ tuổi ấu thơ hoặc quá khứ. Khi những xung đột bên trong được giải toả, rối nhiễu sẽ hết.

2.2. Trị liệu tâm lý theo hướng tiếp cận nhân văn hiện sinh

Cách tiếp cận này xem hành vi của con người, bất kể hành vi kém thích nghi hay hành vi thích đều phản ánh những cố gắng của cá nhân ở mức tự thực hiện (self–actualization) trong một thế giới được nhận biết theo cách riêng nhất của cá nhân..Mỗi cá nhân tồn tại với tư cách “con người tổng thể” (whole person), tham gia vào quá trình phát triển, biến đổi liên tục và đang trở thành chính nó. Sở dĩ một cá nhân nào đó mắc những rối nhiễu hay có những hành vi kém thích nghi là do sự tập nhiễm những mẫu ứng xử sai lệch. Do vậy, mục tiêu chủ yếu của cách tiếp cận này không phải là chữa trị cho thân chủ, hoặc là tìm kiếm những nguyên nhân từ quá khứ…, mà cái chính là khuyến khích sự tự thực hiện hoá những tiềm năng của thân chủ, xem họ là một chủ thể có hiểu biết, không phải là người bệnh, họ phải được hiểu, được chấp nhận để nhà trị liệu có thể cung cấp những loại hình giúp đỡ tốt hơn. Đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển tâm lý lành mạnh ở thân chủ.

2.3. Trị liệu tâm lý theo hướng tiếp cận nhận thức hành vi

Cách tiếp cận này xem những rối nhiễu tâm lý là do những tác nhân hiện có (do điều kiện môi trường, do nhận thức cá nhân, do những mẫu ứng xử tập nhiễm mà có) đang cản trở, làm thay đổi các chức năng bình thường của cá nhân đó. Vì vậy trọng tâm chính của trị liệu hành vi nhằm nhận diện những nhân tố đang duy trì hành vi bệnh, và tìm cách loại bỏ chúng. Thường thì các kích thích ban đầu tạo tiền đề cho hành vi xuất hiện và hậu quả sau khi hành vi đã xảy ra là những điều kiện duy trì hành vi rối nhiễu. Khi những điều kiện duy trì bệnh lý được loại bỏ, người bệnh sẽ trở lại cuộc sống bình thường (tức khỏi bệnh). Theo các nhà trị liệu, nhận thức–hành vi ở những người có rối nhiễu tâm trí hay có những nhận thức sai lệch, những niềm tin không hợp lý, thiếu hụt những kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề, vì vậy phát hiện những sai lệch về nhận thức, những thiếu hụt về kỹ năng, tìm cách điều chỉnh, huấn luyện là yếu tố quyết định.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Văn Hồng 2022, Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm, NXBSP HN
  2. Nguyễn Thị Minh Hăng Chủ biên 2021, Tâm lý học lâm sàng, NXBĐHQG HN
  3. Vũ Dũng 2021, Tâm lý học xã hội, NXB KHXHNV
  4. Nguyễn Công Khanh 2000, Tâm lý trị liệu, , NXBSP HN
Copyrigcht © 2013 Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh