Cuộc Hội ngộ và Tri ân ấm áp, lấy đi nhiều nước mắt của thầy trò Trường cấp 2 Năng khiếu Nghệ Tĩnh sau gần nửa thế kỉ giải thể, do các thế hệ học trò khởi xướng và đứng ra chủ trì tổ chức, diễn ra ngày từ 24 -25/03/2023  trên quê hương Nguyễn Du, Hà Tĩnh. Bài viết ghi lại những cung bậc cảm xúc của thầy trò trong Lễ Tri ân và Hội ngộ.

 

Ảnh: Thầy trò trong Lễ Tri ân

Đây là ngôi trường đặc biệt nhất cả nước - Trường Cấp 2 Năng khiếu Nghệ Tĩnh,  ra đời sau khi đất nước thống nhất, tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập và tuyển chọn học sinh có năng  khiếu Văn, Toán chỉ tồn tại trong 5 năm (1977-1982), một thời gian có thể nói là rất ngắn với hai lớp Chuyên Văn và Chuyên Toán  (từ lớp 6 đến lớp 7, khóa cuối thêm lớp 5). Một ngôi trường Tỉnh, với mái tranh vách nứa, với sân trường cát lún ngập chân với một quãng thời gian quá ngắn ngủi! Đi qua dài rộng tháng năm, những gì ở lại trong lòng người, thì quá đỗi lớn lao, đẹp đẽ! Nhiều học sinh muốn về thăm Trường thì nay không còn Trường, Trường xưa chỉ còn trong kí ức, muốn thăm thầy cô thì liên lạc hết sức khó khăn, một số thầy cô đã về cõi Phật, có người tuổi cao, sức yếu đã lẫn lộn nhiều thứ trong hiện tại nhưng khi nhắc về một thời của Trường Năng khiếu cấp 2 Nghệ Tĩnh vẫn nhớ đầy đủ họ tên các đồng nghiệp và một số học sinh cũ. Điều đặc biệt của hội ngộ và tri ân lần này là biến cái tên gọi Trường tưởng chừng như quên lãng sau gần nửa thế kỉ thành cái tên gọi trong sâu thẳm TIỀM THỨC.

Những câu hát, lời thơ của thầy cô viết về trường, viết cho học trò trên 40 năm về trước lại vang lên trong tâm trí chúng tôi: 

“Bao tháng ngày mơ ước

Hôm nay em tới trường

Trường Năng khiếu Nghệ Tĩnh

Quê Bác Hồ Chí Minh…” [1]

                   ***

“Có ai bảo: chim khôn rời khỏi tổ

Chim bay đi, trơ lại những cành cây

Tôi sẽ bảo: chính niềm vui ở đó

Từ cành kia chim vạn hướng tung bay…” [2]

 

Ảnh: Các thế hệ học trò trong ngày Hội ngộ  

Từ cành kia chim vạn hướng tung bay…! Thế rồi, cuộc đời náo nức kéo chúng tôi đi về muôn ngả, kẻ trời Tây, người ở lại với muôn vị trí công tác trong xã hội. Mải miết trong dòng chảy cuộc đời, đến gần xế chiều, bổng giật mình hoảng hốt nhớ trường xưa, nhớ thầy, nhớ bạn. Cảm thấy lòng đầy tội lỗi chưa kịp tri ân thầy cô cho cái chữ, cho nhân cách, những cô bác phục vụ cho cái ăn, cái ở năm nào! 

Trong số gần 300 học sinh của các khóa, “chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả”, theo những lối rẽ khác nhau, có nhiều người thành đạt, thành công trong sự nghiệp, có những bạn không may mắn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng trong cuộc hội ngộ này ai cũng có cùng một cảm giác bình đẳng để cùng lên một chuyến tàu trở về với tuổi học trò đáng yêu, đáng nhớ của ngày xưa. Điều đặc biệt trong cuộc hội ngộ này không có bất kì một lời giới thiệu nào về ông này, bà nọ, các chức danh hay nhà tài trợ…, chỉ hỏi nhỏ và rỉ tai nhau mới biết được về nhau vì đằng đẳng chân mây, cuối trời lâu rồi. Trong Hội trường đã bỏ hết ra ngoài những chức tước, địa vị, bằng cấp…, không còn bóng dáng những vị giáo sư, tiến sĩ, tướng tá hay Ủy viên Ban thường vụ… Tất cả chỉ còn là những cô cậu học trò nghịch ngợm, tinh nghịch ngày xưa với áo trắng và Khăn quàng đỏ ngập tràn cảm xúc trong không khí kỉ niệm, chỉ với hai chữ: THƯA THẦY!, và cúi đầu tạ lỗi với những người thầy yêu thương đã đi xa! .

40 năm thấm thoắt thoi đưa! “Đời mau quá vui buồn chưa kịp cũ” [3]. Bao cảm xúc ùa về những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò, tuổi thơ áo trắng và Khăn quàng đỏ, thời được Nhà nước nuôi ăn học bằng bột mì, khoai sắn, bo bo… trong bối cảnh đất nước và quê hương xứ Nghệ vô cùng khó khăn bởi chiến tranh, thiên tai, bão lụt, cơm chạy bữa. Những đứa trẻ non nớt ở tuổi 11, 12, xa gia gia đình, xa vòng tay bố mẹ từ nhiều huyện thị hội tụ về Trường, ở nội trú, dưới những mái nhà tranh tre, nứa, mét cực khổ mà vui vẻ, ấm áp trong tình thương yêu của thầy cô và bạn bè. Trong gió cát, trong đói khổ, trong gian lao, ước mơ, khát vọng, hoài bão cứ thế được thầy cô chăm chút, dưỡng nuôi, chắp cánh từng ngày.

Những đứa trẻ ngày đó giờ tóc đã điểm bạc, nhiều người đã lên ông, lên bà, nhưng gặp nhau cứ ríu rít, bá cổ, ôm vai, những cái ôm thật chặt cùng nụ cười và những giọt nước mắt sau hơn 40 năm gặp lại! Giờ đây, khi đã qua muôn nẻo của cuộc đời rộng lớn, phút giây gặp lại, tất cả cứ thế trào dâng, vỡ oà!

Xúc động nhất là những giọt nước mắt nén chịu cố không để rơi trên gương mặt của thầy cô,  thầy Trần Hữu Huỳnh, day dứt: “Những năm tháng học tập ở Liên Xô, thầy cứ day dứt mãi: tại sao lại để những đứa trẻ 11, 12 ,13 tuổi phải rời vòng tay cha mẹ, sống xa gia đình , phải ăn đói mặc rét như vậy? Thêm được cái chữ cái nghĩa, nhưng sức khoẻ của các em thì rất ảnh hưởng. Thương lắm! Và, liệu mình đã bao giờ làm điều gì không phải với các em không !”.   

Bạn Lê Quang Khánh, một cựu học sinh, là Liên đội trưởng ngày ấy, thay cho lời muốn nói của bao thế hệ:

“Như đứa con lưu lạc trở về nhà

Hạnh phúc, rưng rưng, mắt nhoà, tay nắm

Công thầy cô nuôi dạy em , dày lắm!

Đến cuối đời em vẫn cứ nặng vay

Giếng trường xưa càng múc lại càng đầy

Thương nhớ cũ đến nay chưa hề cạn…

Chưa hề, và sẽ không bao giờ cạn!

Hội ngộ và ngày Vui khép lại, để rồi khoảng trời trong veo thuở ấy… lại càng dài rộng thêm theo nỗi nhớ niềm thương!

Có người bảo: Chắc không phải ai cũng may mắn có được cuộc hội ngộ thấm đẫm tình thầy trò và đầy cảm xúc như vậy!  

                                                          

[1]. Lời của Bài ca Năng khiếu Nghệ Tĩnh của cô giáo Lê Kim  Đức (Giáo viên nghỉ hưu)

[2]. Lời của bài thơ Có ai bảo  của thầy Lê Đình Thanh (đã mất)

[3]. Thơ Hữu Thỉnh.       

                                                             Hà Tĩnh, mùa Xuân 2023

                                                                             Văn Tịnh

                                                                          Cựu học sinh