^Back To Top

  • 1 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những cung đường Tây Bắc uốn lượn bên cạnh đồi núi ruộng bậc thang tạo nên khung cảnh núi rừng hùng vĩ và ngút ngàn khiến du khách nào đặt chân đến cũng phải trầm trồ. (Tác giả: Trần Trung Hậu)
  • 2 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Những mùa hoa miền núi phía Bắc Việt Nam đã làm say lòng biết bao du khách trong và ngoài nước. Một trong số những điểm đến đẹp nhất để thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên này chính là Hà Giang, mảnh đất địa đầu tổ quốc. (Tác giả: Phạm Thị Thu Hà)
  • 3 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nói đến những thác nước đẹp của Việt Nam không thể bỏ qua cái tên Bản Giốc, Cao Bằng. Tới đây du khách sẽ được thỏa thích ngắm nhìn cảnh sắc hùng vỹ và thơ mộng của từng dòng thác từ trên cao đổ xuống sông Quây Sơn trong xanh, êm đềm dưới chân thác đẹp như một bức tranh thủy mặc. (Tác giả: Bùi Tuấn Hùng)
  • 4 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm khi những cánh đồng lúa nước bắt đầu trổ bông, tô màu vàng rực rỡ cho đôi bờ dòng sông Ngô Đồng cũng là lúc du khách hay các nhiếp ảnh gia khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng và "săn" hình. (Tác giả: Nguyễn Văn Khánh)
  • 5 Những cung đường hùng vĩ ở Việt Nam
    Nếu đã từng đến với mảnh đất Đà Lạt, ngoài vẻ đẹp rực rỡ của ngàn hoa, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên về khoảng khắc nắng mai ngập tràn trên những rừng thông. (Tác giả: Thái Bình Minh)
Tư vấn

Tâm lý, Kỹ năng mềm, Kỹ năng tìm việc...


Bộ môn Tâm lý - Giáo dục

Trường Đại học Hà Tĩnh

Tóm tắt:  Trở ngại tâm lý được hiểu những rào cản, những vướng mắc, những khó khăn… khiến cho con người không thể dễ dàng thực hiện được nhiệm vụ hay hoạt động, hành động của mình, nhiều khi nó khiến cho con người không đạt được kết quả mong muốn cuối cùng. Những trở ngại tâm lý trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non không phải ai cũng nhìn thấy được. Bài báo khái quát về các yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân gây trở ngại tâm lý, từ đó đề xuất các biện pháp giảm trở ngại tâm lý trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Từ khóa: trở ngại tâm lý, hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non

  1. Đặt vấn đề

Yêu cầu của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đặc biệt yêu cầu đổi mới về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất nghề nghiệp đối với giáo viên đã tạo nên những thay đổi tích cực, nhưng cũng tạo ra không ít những trở ngại tâm lý (TNTL) cho giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ. 

Giáo viên mầm non (GVMN), ngoài việc giáo dục trẻ những kỹ năng cần thiết, những kiến thức nền tảng cho các cấp bậc học tiếp theo, còn thực hiện các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ và phải xử lý những tình huống bất ngờ. “Khối lượng công việc nhiều và liên tục, cộng với những yếu tố về điều kiện làm việc, áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh làm cho hoạt động nghề nghiệp của GVMN gặp nhiều khó khăn, trở ngại” (Phùng Thị Thu Trang, 2020).

Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết “Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xem xét, đưa đối tượng GVMN vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại” (Phùng Thị Thu Trang, 2020). Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các cán bộ quản lý, GVMN trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Đó cũng là một minh chứng cho việc hoạt động nghề nghiệp của GVMN gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đặc biệt, hầu hết các gia đình đều phó mặc việc chăm sóc con cái cho nhà trường, trách nhiệm càng đè nặng lên đôi vai của GVMN. Tuy nhiên cùng với đó, sự đòi hỏi và yêu cầu của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ lại càng cao hơn, khắt khe hơn. Bản thân trẻ lại bị tác động tiêu cực từ nhiều nguồn khác nhau do mặt trái của sự phát triển công nghệ (các phim hoạt hình có nội dung xấu, các clip bạo lực…). Cùng với đó, tình trạng quá tải số lượng trẻ tính trên một GVMN đang là vấn đề gây nhiều nhức nhối cho xã hội, và vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực nhất tới các GVMN.

Mặt khác, Thông tư 51/2020/TT-BGDĐT đòi hỏi GVMN ngoài những kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sự nhiệt huyết với nghề còn cần phải “biết thành thạo việc sử dụng máy tính và mạng internet, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng hài hước…” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2021), trong đó kỹ năng hài hước không phải là một kỹ năng dễ hình thành theo thời gian mà còn liên quan đến năng khiếu của từng cá nhân.

Sự phát triển về kinh tế trong những năm gần đây đã dẫn đến tốc độ đô thị hóa trở nên rất nhanh. Đặc biệt, thành phố Hà Tĩnh là địa bàn có tốc độ phát triển dân số rất nhanh. Điều này dẫn tới tình trạng quá tải ở một số trường mầm non, làm cho hoạt động của GVMN càng thêm khó khăn, áp lực.

Sự già hóa cũng là một nguyên nhân cho những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN. Do đó, đánh giá thực trạng những trở ngại tâm lý của GVMN để làm cơ sở cho việc tăng cường các biện pháp giảm trở ngại cho họ trong hoạt động nghề nghiệp là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề về TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

2.1.1. Khái quát về TNTL

Có nhiều quan niệm khác nhau về TNTL, có thể chia thành ba nhóm như sau: (1) TNTL là trạng thái tâm lý thể hiện tính thụ động, lúng túng của chủ thể khi gặp những tình huống, những điều kiện thay đổi làm cản trở quá trình hành động và làm sai lệch kết quả hoạt động; (2) TNTL là tổ hợp các thuộc tính, các trạng thái, các đặc điểm nhân cách không phù hợp với đối tượng, làm cho quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn; (3) TNTL là sự thiếu thích ứng, thiếu linh hoạt của chủ thể trong quá trình hoạt động và trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tức thời, khiến chủ thể không kịp thời huy động được những đặc điểm cá nhân cho phù hợp với yêu cầu nội dung, đối tượng và hoàn cảnh công việc.

Các nhóm ý kiến nói trên đã khái quát khá rõ nét về bản chất và biểu hiện của hiện tượng TNTL trong hoạt động của con người. Thực tiễn đã chứng minh, trong bất kỳ hoạt động nào, con người cũng gặp phải những TNTL làm cho hoạt động đó bị chệch hướng với mục đích đã đề ra từ trước, điều này có ảnh hưởng xấu đến kết quả của hoạt động. Từ đây tác giả áp dụng khái niệm: “TNTL là những đặc điểm tâm lý nằm trong hệ thống cấu trúc nhân cách cá nhân không phù hợp với nội dung, đặc điểm, yêu cầu, hoàn cảnh, tình huống... của hoạt động mà chủ thể tiến hành. Những đặc điểm tâm lý không phù hợp đó đã làm kìm hãm, cản trở, gây khó khăn cho việc tiến hành hoạt động của chủ thể không được thuận lợi hoặc không được như ý” (Nguyễn Thị Xuân Hương, 2009).

2.1.2. Nguyên nhân gây TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

Ba thành tố cơ bản của dạy học, đó là nhà trường, giáo viên và học sinh, có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại, đan xen trực tiếp và chịu ảnh hưởng của nhau. Nhà trường tạo dựng được môi trường giáo dục tốt sẽ tạo sự thoải mái, hăng say với công việc giảng dạy ở giáo viên. Học sinh chăm ngoan, chịu khó học tập sẽ tạo cho giáo viên sự ham mê công việc, yêu nghề, yêu người. Vì vậy, TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ này.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, không thuận lợi gây ra những khó khăn, căng thẳng về vật chất lẫn tinh thần, các TNTL này có thể cũng xuất phát từ bản thân người giáo viên. Có thể chia các nguyên nhân gây ra TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN thành ba nhóm sau đây: (1) TNTL xuất phát từ yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ: Yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp của chương trình trong thời kỳ hội nhập; Cơ sở vật chất lớp học chưa đáp ứng với nội dung chương trình; Các trở ngại trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ trước sự phát triển của cách mạng công nghệ; Áp lực nâng cao kiến thức, năng lực cá nhân; (2) TNTL xuất phát từ quản lý, chính sách: Những áp lực trong công tác hành chính; Áp lực từ các hoạt động, các phong trào thi đua; Áp lực phát triển chuyên môn theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên; Áp lực do thiếu dân chủ, không có quyền chủ động trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ; Áp lực từ cơ chế quản lý giáo dục; Áp lực về thời gian; (3) TNTL xuất phát từ thực tiễn: thiếu giáo viên, sĩ số lớp quá đông hay những áp lực từ phụ huynh…

2.2. Thực trạng TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

Nghiên cứu đã khảo sát 113 GVMN ở 03 trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, gồm Trường Mầm non Bắc Hà, Trường Mầm non Đại Nài và Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du. Các ý kiến thu được từ GVMN thông qua bảng hỏi kết hợp phỏng vấn sâu.

2.2.1. Mức độ TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

Thực tế, GVMN có gặp TNTL hay không? Ở mức độ nào? Có sự chênh lệnh về TNTL trong hoạt động nghề nghiệp giữa giáo viên ở các trường khác nhau hay không? Để làm sáng tỏ vấn đề này, câu hỏi khảo sát được đưa ra như sau:

Câu hỏi 1: GVMN có gặp TNTL trong hoạt động nghề nghiệp không?

Câu hỏi 2: Cô/Thầy gặp TNTL trong hoạt động nghề nghiệp ở mức độ nào?

Bảng 1. Mức độ TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

           

 Tất cả các ý kiến đều cho rằng, họ “có” gặp TNTL trong hoạt động nghề nghiệp. Về mức độ, kết quả được thể hiện ở Bảng 1, cho thấy: 

- 13/113 ý kiến trả lời gặp khó khăn ở mức độ “ít”, chiếm 11,50%; 67/113 ý kiến trả lời gặp khó khăn ở mức độ “vừa”, chiếm 58,41%; 33/113 ý kiến cho rằng họ gặp trở ngại ở mức độ “nhiều”, chiếm 30,09%. Như vậy, hầu hết các GVMN đều gặp TNTL trong hoạt động nghề nghiệp - khi mà có rất nhiều thay đổi trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với bậc học mầm non. Số lượng giáo viên gặp TNTL ở mức độ nhiều chiếm một tỷ lệ đáng kể (30,09%).

Có thể nhận thấy, mức độ TNTL ở giáo viên có sự khác biệt: Giáo viên ở trường Bắc Hà và Nguyễn Du gặp nhiều trở ngại hơn so với giáo viên ở trường Đại Nài. Để tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự khác biệt này, nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn một số giáo viên. Qua đó nhận thấy, sở dĩ có sự chênh lệch này là do trường Bắc Hà và Nguyễn Du là 2 trường đóng trên địa bàn trung tâm của thành phố Hà Tĩnh với dân số rất đông. Nguyễn Du là trường có số lớp đông nhất trong các trường mầm non tại thành phố Hà Tĩnh với 33 lớp. Về cơ bản, cả trường Bắc Hà và Nguyễn Du đều có sỹ số trẻ trong một lớp từ 40 đến 45. Trong khi đó, trường Đại Nài đóng trên địa bàn ven thành phố, dân số ít, cư dân chủ yếu làm nông nghiệp, sỹ số trẻ trong lớp không vượt quá 30. Mặt khác, độ tuổi trung bình của giáo viên trường tư thục Nguyễn Du trẻ hơn rất nhiều so với giáo viên trường Đại Nài và trường Bắc Hà. Có 15 ý kiến cho rằng do đã lớn tuổi (gần về hưu) nên việc tiếp cận những cái mới trong chương trình giáo dục là rất khó, đặc biệt là sự khó bắt nhịp kịp sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay.

Mức độ TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN là không đồng đều giữa giáo viên lớn tuổi và giáo viên trẻ mới vào nghề. Nếu giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn về những vấn đề tiếp cận cái mới, CNTT và ngoại ngữ thì giáo viên trẻ thường gặp khó khăn trong tiếp cận phụ huynh và kinh nghiệm chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ.

2.2.2. Nhận định của giáo viên về mức độ các nguyên nhân gây nên TNLT

Các nguyên nhân gây TNTL cho GVMN đã được khảo sát, gồm 08 nguyên nhân, thể hiện ở Bảng 2. Các mức độ được đưa ra để giáo viên lựa chọn gồm Không đồng ý, Đồng ý và Rất đồng ý. Kết quả cho thấy, có sự đồng nhất về nhận định của giáo viên ở cả ba trường về một số nguyên nhân gây nên TNTL cho GVMN.

Bảng 2. Các nguyên nhân gây TNTL cho GVMN

 

Kết quả ở Bảng 2 cho thấy: nguyên nhân “Sỹ số trẻ quá đông khó quản lý” nhận được nhiều sự đồng ý của giáo viên so với các nguyên nhân khác. Tiếp đến là nguyên nhân “Ngại tìm hiểu và đổi mới phương pháp dạy học”“Không đủ thời gian để dành cho sáng tạo trong hoạt động chuyên môn” cũng nhận được sự “đồng ý” và “không đồng ý” cao.

Khi được phỏng vấn, đa số ý kiến đều cho rằng, thời gian lên lớp quá nhiều, trung bình ngày 2 buổi (6h30 đến 17h30), riêng giáo viên ở trường Nguyễn Du còn phải dạy cả thứ 7. Do đó thời gian dành cho việc trau dồi chuyên môn cũng như hoàn thiện các loại sổ sách theo yêu cầu không có nhiều. Đặc biệt một số giáo viên còn phải tham gia các lớp học nâng chuẩn và lớp Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vào cuối tuần nên gần như không còn thời gian sáng tạo trong hoạt động chuyên môn.

Nguyên nhân “Cơ sở vật chất của lớp học không đủ điều kiện” nhận được nhiều sự không đồng ý của giáo viên ở cả ba trường. Bởi lẽ, hiện nay cả ba trường đều có cơ sở vật chất tương đối tốt so với những trường mầm non khác trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Có thể chia nhóm các nguyên nhân gây nên các TNTL theo thứ bậc giảm dần về mức độ ảnh hưởng như sau:

- Nhóm 1: Tốn nhiều thời gian để hoàn thiện sổ sách; Ngại tìm hiểu và đổi mới phương pháp dạy học; Cơ sở vật chất của lớp học không đủ điều kiện; Không đủ thời gian để dành cho sáng tạo trong hoạt động chuyên môn; Môi trường làm việc ở trường thiếu công bằng, dân chủ.

- Nhóm 2: Sỹ số trẻ quá đông, khó quản lý; Trẻ không nghe lời vì được phụ huynh nuông chiều thái quá; Nội dung, cách thức tập huấn về đổi mới phương pháp và bồi dưỡng chuyên môn chưa phù hợp.

Các nguyên nhân trên có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo ra những TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

2.2.3. Một số giải pháp giảm thiểu TNTL trong hoạt động nghề nghiệp của GVMN

a, Giảm thiểu tối đa các cuộc thi, các phong trào thi đua dành cho GVMN

Hàng năm, GVMN phải tham gia rất nhiều cuộc thi. Cuộc thi về chuyên môn được tổ chức cố định hàng năm hiện nay là cuộc thi giáo viên giỏi các cấp. Ngoài ra, có hàng chục cuộc thi từ nhiều cơ quan, ban ngành khác tổ chức. Đơn cử như: Tìm hiểu về cải cách hành chính, tìm hiểu về Biển đảo quê hương, tìm hiểu luật phòng chống ma túy, cuộc thi đoàn viên cơ sở giỏi… Bên cạnh các cuộc thi dành cho giáo viên, các cuộc thi dành cho trẻ cũng làm cho GVMN tốn rất nhiều thời gian. Đó là các cuộc thi: An toàn giao thông; Dinh dưỡng và trẻ thơ; Cô duyên dáng, cháu tài năng; thi đọc thơ diễn cảm; thi kể chuyện; thi rung chuông vàng…

Các cuộc thi nói trên đã chiếm rất nhiều thời gian và công sức của GVMN, ảnh hưởng đến quỹ thời gian dành cho hoạt động chuyên môn. Chính vì vậy, cần giảm thiểu tối đa các cuộc thi và các phong trào thi đua dành cho giáo viên, học sinh nói chung và GVMN và trẻ mầm non nói riêng. Có như vậy, GVMN mới có thời gian tập trung cho hoạt động chuyên môn.

b, Thay đổi cách thức, nội dung các khóa bồi dưỡng, tập huấn

Hiện nay, hầu hết các cuộc tập huấn được tổ chức dưới hình thức lớp bài và chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình trong quá trình lên lớp. Nội dung các cuộc tập huấn còn mang nặng tính lý thuyết, hàn lâm, chưa đưa ra những yêu cầu cụ thể mỗi GVMN phải đạt được. Các bài thu hoạch chủ yếu được yêu cầu dưới hình thức bài viết tự luận mà không đánh giá kỹ năng đạt được sau khóa tập huấn của mỗi GVMN. Bởi vậy, cần thay đổi cách thức và nội dung các khóa tập huấn. Nội dung cần đi vào trọng tâm, cụ thể, phù hợp với mục tiêu khóa tập huấn. Bản thân GVMN với tư cách là học viên của các khóa tập huấn cần được trở thành chủ thể tích cực, chủ động trong việc tiếp nhận nội dung và hình thành kỹ năng thông qua hoạt động thảo luận, trao đổi…

Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên được thực hiện với nhiều hình thức phong phú sẽ góp phần xây dựng tinh thần cộng tác, làm việc theo tổ, nhóm chuyên môn trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ khuyến khích giáo viên làm việc chăm chỉ, tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

c, Giảm thiểu tối đa các hồ sơ, sổ sách không cần thiết

Theo Quy định tại Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường mầm non, các loại hồ sơ mà GVMN phải thực hiện gồm: (1) Kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (kế hoạch năm học, kế hoạch quý, kế hoạch tháng, kế hoạch tuần); (2) Sổ theo dõi trẻ; (3) Sổ theo dõi tài sản, thiết bị, đồ chơi của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Tuy nhiên trên thực tế, các trường còn quy định GVMN phải có sổ hội họp, sổ dự giờ, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, sổ tự học, tự bồi dưỡng… Như vậy các loại sổ sách mà GVMN cần phải ghi chép và báo cáo là quá nhiều. Do đó các trường cần rà soát và giảm thiểu các loại sổ sách không cần thiết, dành thời gian cho hoạt động chuyên môn.

d, Tăng cường cơ sở vật chất và giảm thiểu sỹ số các lớp theo đúng quy định

Hiện nay, yêu cầu giáo dục trẻ ngày càng cao, tuy nhiên sự đáp ứng về cơ sở vật chất mới chỉ trong một chừng mực nhất định. Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất của các trường chưa tương xứng với quy mô phát triển. Một số trường vẫn thiếu phòng học và phòng chức năng. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố Hà Tĩnh trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng quá tải trong các lớp học ở các trường mầm non hiện nay. Đây là trở ngại rất lớn cho GVMN trong quá trình chăm sóc - giáo dục trẻ.

Các cấp quản lý cần bổ sung cơ sở vật chất hàng năm bằng nhiều nguồn khác nhau nhằm nâng cao cơ sở vật chất của nhà trường. Đồng thời, cần có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm phòng học và tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên đứng lớp để giảm tải tình trạng sỹ số trẻ quá đông hiện nay. Trước mắt, các trường cần tuyển giáo viên hợp đồng và tận dụng tối đa việc sử dụng phòng học để giảm thiểu sỹ số của các lớp. Mặt khác, qua công tác phổ cập giáo dục, cần dự báo chính xác và tham mưu đề xuất tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên của trường.

e, Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực, công bằng, dân chủ

            Việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, tích cực là hết sức quan trọng. Sức mạnh đoàn kết của tập thể sẽ đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Để xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực, công bằng, dân chủ trong trường mầm non, cần: Xây dựng mối quan hệ thân thiện, đoàn kết trong nội bộ cán bộ quản lý; Xây dựng mối quan hệ thân thiện, nhân ái trong tập thể sư phạm; Bồi dưỡng và quan tâm đội ngũ giáo viên về mọi mặt.

g, Tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh  

Các hoạt động giáo dục của nhà trường cần có sự kết nối và tham gia của phụ huynh cũng như cộng đồng địa phương. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn nhằm chia sẻ phần nào khó khăn, áp lực cho GVMN. Sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về khó khăn của GVMN, từ đó có sự đồng cảm và chia sẻ trách nhiệm với GVMN trong hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ.

Mặt khác, sự phối hợp với cha mẹ trẻ nhằm mục đích thống nhất các tác động giáo dục, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bởi lẽ, nhận thức của phụ huynh về các chuẩn mực đạo đức và các nội dung giáo dục trẻ là khác nhau. Hơn nữa, một số gia đình vì nuông chiều con em mình thái quá, đã tạo ra rào cản trong quá trình tác động giáo dục của cô đối với trẻ.

Để có sự thống nhất trong tác động giáo dục giữa nhà trường và gia đình, giáo viên cần trao đổi thông tin thường xuyên với phụ huynh qua nhiều kênh khác nhau: trong giờ đón trẻ, trả trẻ; trong các cuộc họp phụ huynh; trong nhóm zalo của lớp...

h, Động viên và quan tâm giáo viên về mọi mặt

Hiện nay, ở một bộ phận giáo viên lớn tuổi có tâm lý ngại thay đổi, sức ỳ còn lớn và tâm lý buông xuôi, không cố gắng. Các trường mầm non cần phải thực hiện tốt và đảm bảo chế độ chính sách của Đảng, nhà nước, địa phương đối với người lao động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của mỗi giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong lao động sư phạm. Việc quan tâm đến gia đình của mỗi thành viên trong nhà trường là liều “thuốc bổ” tăng sức mạnh cho mỗi cá nhân đóng góp công sức xây dựng nhà trường.

  1. Kết luận

Kết quả khảo sát thực trạng TNTL của GVMN trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh cho thấy, hầu hết GVMN đều gặp phải TNTL trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, có sự tương đồng và cả sự khác biệt về mức độ lựa chọn các nguyên nhân gây ra TNTL. Các kết quả nghiên cứu thực trạng này có thể làm cơ sở để đề xuất các biện pháp giảm TNTL cho GVMN cụ thể hơn, khả thi hơn, hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trong các nhà trường Mầm non ở thành phố Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13/04/2021 hợp nhất Thông tư ban hành chương trình Giáo dục mầm non.

Nguyễn Thị Xuân Hương (2022). Kỹ năng ứng phó với khó khăn tâm lý trong hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ của giáo viên mầm non: nghiên cứu trường hợp tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Giáo dục, số 22(22), 32-37.

Nguyễn Thị Kiều Oanh (2019). Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Phùng Thị Thu Trang (2020). Thực trạng áp lực nghề nghiệp của giáo viên Tiểu học. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 32, 43 - 48.

 

 

Copyrigcht © 2013 Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh