Xu hướng hiện đại của phát triển ngôn ngữ, nói một cách không lên gân là đang gây nên sự lo lắng cho xã hội ở các nước nói chung, ở Việt Nam nói riêng.  Qua những nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy sự suy giảm, thậm chí làm méo mó chóng mặt về phương diện chuẩn văn hóa ngôn ngữ mẹ đẻ trong toàn xã hội, đặc biệt ở giới trẻ.

Trước hết phải kể đến một số chương trình của các làng giải trí, truyền hình quốc gia rồi đến các tin nhắn qua điện thoại, Facebook của giới trẻ.   Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới các dạng:

- Lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài của một số tờ báo

Có ý kiến cho rằng, hiện nay có không ít tờ báo, đặc biệt là những tờ báo viết cho đối tượng tuổi mới lớn lại bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay nói chuyện với nhau vào ngôn ngữ báo chí để làm tăng tính biểu cảm, sinh động cho bài viết của tác giả và gây được ấn tượng đối với độc giả.

          Ví dụ, mới đây trên trang viết của một tờ báo đã đăng nội dung: tiền thành xiền, tình yêu thành tình iu, ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay.com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính), 2 (hi-chào), 4U (For you - cho bạn), 2NT (Tonight - tối nay), G92U (Good night to you)…nếu quan tâm đọc chắc nhức hết cả đầu, hoa cả mắt.

- Lạm dụng ngôn ngữ lóng, ngôn ngữ thời @ trong thời đại công nghệ thông tin ở giới trẻ

Dùng tiếng lóng để giao tiếp, trò chuyện, trao đổi, “chat” với nhau qua điện thoại, mạng xã hội ở thế hệ 9x (chủ yếu là thanh thiếu niên, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là học sinh, sinh viên, đang có chiều xâm nhập sang người lớn) đã đến mức báo động.

Những comments về một bức ảnh thời trang của một cô gái mới đây nhất trên facebook là một ví dụ:

“Dep ngon com wa”; “anh mà lấy được vk sinh như em thì anh chỉ vk anh ăn song tắm dửa sạch sẽ mặc đồ ngủ thật mỏng cho vào lồng kính rồi mở cửa bán vé chiêm ngưỡng ngắm nhìn; “cj vân nany.xjnh gái”; “Em là Vẫn chứ đéo phải là Vân”; “E yêu cki”…

Vận dụng “sáng tạo” tiếng Anh khá kỳ cục trong các tình huống giao tiếp.

Ví dục: “Ugly tiger” nghĩa là “xấu hổ”  (Tiếng Anh: Ugly - xấu; tiger - con hổ). Đôi khi nghe giới trẻ đối thoại: “Mày thật “Ugly tiger!” hay “: “Mày không  “Ugly tiger à?”, cảm thấy buồn cười, nhưng cũng vui tai. 

Chúng tôi rất đồng tình với chia sẻ của một bạn đọc:

“Có rất nhiều dẫn chứng về việc lạm dụng quá nhiều tiếng lóng làm cho ngôn ngữ “chính thống” bị méo mó, mất giá trị văn hóa của tiếng Việt mà tôi có dịp được đọc, chẳng hạn như: “bùn wá mài nhỉ, lẹi gần hít nem lép 12 roài… thí tụi mìn ko đc zui như hồi nem ngoái, nghĩ vậy thoai mừ teo bùn ghê gúm… nhưng mìn hứa sẽ mãi lè bẹn thân, đeng wên teo dzà mái trừng iu zấu nì nha”.

          Với đoạn đối thoại trên, nếu không phải là dân “chat” chuyên nghiệp chắc hẳn bạn sẽ không thể hiểu nổi “đoạn văn” đó nói cái gì?”.

- Tiếng Việt đang bị nhiễm bẩn bởi nói tục, chửi bậy

Hiện tượng nói tục thì quốc gia nào cũng có. Nhưng nước ta có lẽ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nói tục trở thành thói quen, nhu cầu, sự “khoái khẩu” ở mọi đối tượng, trừ trẻ chưa biết nói. Các câu thường trực cửa miệng: “Đ.M” ở quán sá, ngoài đường, bến xe, bến tàu, công trường … Có người mở miệng ra là chửi, rủa không có câu chửi tục là không sướng. Ông bà ta dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Một lời nói uốn lưỡi bảy lần”; “Sa chân còn cứu được, sa lời khó cứu”. Những hiện tượng kể trên chắc chăn làm xấu đi hình ảnh tiếng Việt rất vốn rất giàu và đẹp.      

         Tóm lại, trước trào lưu sử dụng tiếng lóng, lạm dụng tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ, tiếng Việt đang có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, việc sử dụng tiếng lóng cũng có tác dụng nhất định đối với giới trẻ như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo…làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.

          Thử đi tìm nguyên nhân: Theo chúng tôi có những nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:

- Các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là truyền hìnnh là loại phương tiện thông tin đại chúng phổ biến nhất trong xã hội ảnh hưởng lớn nhất đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ nhưng có biểu hiện lệch chuẩn trong việc dùng từ phổ biến như: tối ưuthì đọc thành  tối ưu nhất; lẫn lộn giữa điểm yếu và yếu điểm, đọc sai các đoạn trích trong diễn văn các lễ trọng đại của dân tộc; đập vào mắt những lời đối thoại trần trụi, thô thiển khó chấp nhận trước những thành phần ngồi trước màn ảnh nhỏ gồm nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở tuổi hay bắt chước, làm theo các nhân vật trên truyền hình.   

- Một số báo cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. 

- Đặc biệt các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát có khẩ năng gây sosk ở bất kỳ một người có học vấn nào. Ví dụ: “Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra” (Yêu nhau, hét nhau), đi ngược với đạo lý dân tộc: “Thương người như thể thương thân”.

- Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội và các thông tin quảng cáo. Tình trạng chung: người tham gia không cần biết người đối thoại là ai vẫn sẵn sàng văng lời tục tĩu, thô thiển để thóa mạ, dìm “hàng” người khác. 

- Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại...).

- Trào lưu, “mốt” sử dụng tiếng lóng, ngoại ngữ, ngôn ngữ @ để giao tiếp trở thành yếu tố để muốn tự khẳng định đẳng cấp của mình đang xâm nhập và lan tỏa ở giới trẻ hiện nay.     

                                               

                                                  TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đình Quang (1999), Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia.

2. Rezannova L. Văn hóa lời nói và vấn đề giáo dục đạo đức giới trẻ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Châu Âu và Nga hiện đại “Chức năng tích hợp khoa học giáo dục trong một không gian giáo dục”, Moskow - Paris, 2010 (tiếng Nga).