Usinxki “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn tới học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ một câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

 

                   Giảng viên quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo.

                                                                        Hình ảnh lấy từ Chinh phu.VN

Mô hình tích hợp chung các phẩm chất của nhà sư phạm có thể được xem như là một hệ thống các phẩm chất nhân cách, mỗi phẩm chất của nó dùng để hiện thực hóa các lĩnh vực hoạt động sư phạm.

Theo C. D. Reznik, toàn bộ những phẩm chất cần thiết của giảng viên đại học được thể hiện mô hình khái quát, gồm 5 block:

  1. Tinh thông nghề nghiệp;
  2. Phẩm chất đạo đức;
  3. Năng lực tổ chức
  4. Sự năng động
  5. Kỹ năng điều chỉnh bản thân

Đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cấu trúc phẩm chất của người giảng viên là sự tinh thông nghề nghiệp, trong đó gồm có 8 nhóm phẩm chất: Trình độ cao về kiến thức, kỹ năng theo chuyên ngành, văn hóa phương pháp luận, văn hóa hoạt động khoa học, văn hóa thông tin, văn hóa hoạt động giáo dục, văn hóa lời nói, văn hóa chính trị. Mỗi nhóm trong số đó phải bám hoàn toàn vào những phẩm chất hàng đầu. Ví dụ: Nhóm trình độ cao về tri thức, kỹ năng, kỹ xảo thì những phẩm chất hàng đầu phải có là: Kiến thức về: tâm lý học và giáo dục; lịch sử và phương pháp luận dạy các môn; phương pháp dạy học; phương pháp tổ chức hoạt động độc lập của sinh viên và chẩn đoán các kiến thức của họ;cách thức tổ chức hoạt động học tập; các nguyên tắc xây dựng kế hoạch và tóm tắt bài học; Kiến thức cao về môn học mình dạy; Biết vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức tích lũy được; năng lực tư duy cao; sự uyên bác…[ 2,19].

Ngoài ra, để thực hiện tốt chức năng của mình, người giảng viên hiện đại cần có những thành tố cụ thể của tài nghệ sư phạm: kỹ năng phối hợp với mọi người ở các mức độ (sinh viên, đồng nghiệp, lực lượng hỗ trợ, nhóm khoa học, người đứng đầu, v.v…; thiết lập các mối quan hệ công việc và sáng tạo với đồng nghiệp; biết sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết để tác động đến sinh viên và đạt được hiệu quả hiểu biết lẫn nhau; trở thành người có năng lực tiếp nhận, chiếm lĩnh và sử dụng thông tin.

Nhà sư phạm lỗi lạc Nga V.A. Slastionin, trong tham luận tại Hội thảo quốc tế “Sư phạm giáo dục: tiếng gọi của thế kỷ XXI, tổ chức tại Moskva ngày 16-17 tháng 9 năm 2010, đề xuất 6 phẩm chất và đặc điểm của nhà sư phạm ngày nay, đó là:

- Tính tích cực công dân và trách nhiệm xã hội cao của nhà sư phạm. Theo ông, một người thầy như thế này không bao giò thờ ơ, vô cảm với trẻ em, với số phận của trẻ. Định hướng quan trọng nhất hoạt động của họ - trách nhiệm nghề nghiệp cao cả.  

  • Tình yêu đối với trẻ, có nhu cầu và khả năng hiến dâng trái tim cho trẻ
  • Trí tuệ, văn hóa tinh thần, mong muốn và biết làm việc với người khác
  • Tay nghề cao, phong cách sáng tạo tư duy khoa học sư phạm
  • Có nhu cầu thường xuyên tự đào tạo và sẵn sàng đối với việc này
  • Có sức khỏe tâm lý và tinh thần, năng lực nghề nghiệp  [3].

Thiết nghĩ, đây là những phẩm chất mà quan trọng và cần thiết đối với giảng viên đại học trong xã hội hiện đại mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.       

Hiệu quả hoạt động của người giảng viên phụ thuộc trực tiếp vào việc đào tạo nghề của họ, nó đòi hỏi những phẩm chất tương ứng với hoạt động thực tiễn. Nhà tâm lý học nổi tiếng Xô Viết K.K. Platonov khẳng định: “Đào tạo nghề chuyên gia - đó là một trạng thái khách quan của con người, khi cho rằng mình đủ năng lực và sẵn sàng đối với việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp tương ứng”.

Đào tạo nghề giảng viên đòi hỏi được trang bị kiến thức các môn chung cũng như các môn chuyên ngành (Môn chung gồm: Tâm lý học và giáo dục học, bản chất của tâm lý  dạy học phát triển, cấu trúc hoạt động dậy học, phương pháp luận và cơ sở tâm lý quá trình giáo dục, các loại hoạt động chủ đạo và các đặc điểm tâm lý của lứa tuổi; các môn chuyên ngành: Lịch sử và phương pháp luận dạy học bộ môn; phương pháp dạy học; phương pháp tổ chức hoạt động độc lập và phát triển năng lực sáng tạo của người học; tổ chức hoạt động học tập cho sinh viên…). Đây là những yêu cầu nằm trong chương trình bắt buộc và tự chọn của các trường.

Cũng như các nước, chúng ta cũng đòi hỏi rất cao, khắt khe  về phẩm chất và năng lực của người giảng viên, phản ánh rất rõ trong. Điều 24 Điều lệ Trường đại học Việt Nam (2010)  về tiêu chuẩn giảng viên:

  1. Có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt
  2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Có bằng thạc sỹ đối với giảng viên giảng dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học; có bằng tiến sỹ đối với giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án trong các chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ;
  3. Có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc
  4. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp
  5. Lý lịch bản thân rõ ràng. [1].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Điều lệ trường đại học (Việt Nam)
  2. Reznik, C.D, O.A. Vdovina (2010), Giảng viên đại học: Công nghệ và tổ chức hoạt động, Moskva.  
  3. Slastionin V.A, Sư phạm giáo dục - Tiếng gọi của thế kỷ XXI”