MARIA MONTESSORI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP

 CHO NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON

ThS. Lê Thị Bích Ngọc

          Giáo dục luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vây các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia phát triển luôn không ngừng cải cách, đổi mới giáo dục, tìm ra những triết lý giáo dục phù hợp với xu thế phát triển mới của đất nước và thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Việc nghiên cứu những quan điểm, triết lý giáo dục của các nhà giáo dục tiến bộ trển thế giới là cần thiết, nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục. Quan điểm giáo dục của Maria Montessori là một trong những quan điểm giáo dục tiến bộ và được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới.

1. Vài nét về Maria Montessori

          Maria Montessori sinh năm 1870, là nữ bác sỹ đầu tiên của nước Ý. Bà đã có cơ hội quan sát các hoạt động của trẻ, hiểu được cách thức hỗ trợ quá trình phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ. Trở thành nhà giáo dục và triết gia xuất sắc, bà đã dành hết tâm huyết cho phương pháp giáo dục tôn trọng trẻ và coi trẻ nhỏ là một cá thể riêng biệt.

          Năm 1907, bà lập ra ngôi nhà dành cho trẻ thơ đầu tiên tại một khu phố bình dân ở thủ đô Rome, nước Ý. Từ 1914 đến 1918 bà đến Mỹ và thành lập trường học dành cho giáo viên. Năm 1929, bà thành lập Hiệp hội Montessori Quốc tế với mục đích bảo vệ, truyền bá và phát huy các nguyên tắc giáo dục, cùng các bài thực hành mà bà sáng tạo ra vì sự phát triển toàn diện của con người. Năm 1936, nước Ý phát xít kết tội và đóng cửa tất cả các trường học Montessori, bà chuyển đến sống ở Hà Lan, sau đó sang Ấn Độ, tại đây bà đã mở ra rất nhiều các trường học Montessori. Năm 1952 bà quay trở lại nước Ý, được khôi phục lại danh dự nhưng bà thích ở lại Hà Lan hơn, bà qua đời cung năm đó ở tuổi 82.

          Hiện nay đã có hơn 8000 trường học Montessori ở khắp các châu lục trên thế giới.

2. Maria Montessori và những đóng góp cho ngành giáo dục mầm non

2.1. Đặc điểm của trẻ mầm non theo Maria Montessori

          Maria Montessori cho rằng từ khi sinh ra trẻ em đã có một sức sống nội tại rất tích cực và không ngừng phát triển, giáo dục có nhiệm vụ là giúp trẻ em phát huy được sức sống nội tại đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng do đó giáo dục phải tôn trọng trẻ, tạo mọi điều kiện để trẻ phát triển tự nhiên về mọi mặt.

          Maria Montessori cho rằng quá trình phát triển của con người có tính giai đoạn và quá trình phát triển của trẻ có thể chia thành bốn giai đoạn trong đó giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là rất quan trọng, sự phát triển, những trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai của trẻ, đây cũng là giai đoạn mà những quá trình tâm sinh lý của trẻ phát triển không ngừng và nổi bật nhất.

2.2. Chương trình học mầm non theo Maria Montessori

          Chương trình học theo Montessori gồm 5 lĩnh vực: ngôn ngữ, toán học, phát triển giác quan, thực hành cuộc sống và văn hóa.

          Ở lĩnh vực ngôn ngữ trẻ được làm quen với chữ cái, ghép và đánh vần chữ cái, đọc câu đơn giản. Trẻ cũng được vẽ, viết những thứ mà trẻ thích. Quá trình tổ chức cho trẻ làm quen, học chữ cái diễn ra một cách tự nhiên thông qua việc tổ chức cho trẻ làm việc với các giáo cụ chứ không gò ép trẻ. Hoạt động này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên.

          Trong lĩnh vực toán học, trẻ được làm quen với các con số, phép tính đơn giản trong lĩnh vực toán học. Trẻ nhận biết, đếm số và thực hiện các phép tính thông qua thao tác với các giáo cụ mà giáo viên chuẩn bị, do đó trẻ có thể hiểu được bản chất, quy luật chứ không chỉ làm hoặc nhớ máy móc.

          Trong lĩnh vực giác quan, thông qua các bài tập trẻ được luyện tập sử dụng năm giác quan để tìm hiểu, khám phá sự vật, nhờ đó giúp trẻ sử dụng các giác quan nhanh nhạy, chính xác, khéo léo.

          Trong hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ được thực hiện các bài tập về các công việc đơn giản, tự phục vụ trong cuộc sống hằng ngày. Qua các bài thực hành đó trẻ học được cách tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân và rèn luyện các kỹ năng sống.

          Trong lĩnh vực văn hóa, trẻ được tìm hiểu về thực vật, động vật, địa lý, thiên văn, lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật... trong lĩnh vực này, trẻ được tiếp cận với tri thức khoa học, hiểu biết về thế giới xung quanh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà không bị gò bó, áp lực.       

2.3. Phương pháp giáo dục theo Maria Montessori

          Phương pháp giáo dục của Montessori nhấn mạnh tới hai yếu tố môi trường giáo dục và vai trò của giáo viên.

          Môi trường giáo dục là yếu tố được chú trọng trong phương pháp giáo dục theo Montessori. Môi trường giáo dục là nơi tạo điều kiện tốt nhất để trẻ tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Môi trường giáo dục theo Montessori được đặc trưng bới các giáo cụ, không gian học tập, hoạt động và mối quan hệ giữa các trẻ.

          Điểm nổi trội của phương pháp Montessori là giáo cụ dạy học. Giáo cụ Montessori do tiến sỹ Montessori thiết kế dựa trên nhu cầu và sự phát triển tự nhiên của trẻ, cũng có một số giáo cụ do giáo viên tự thiết kế dựa trên nhu cầu dạy học. Giáo cụ được thiết kế đẹp, khoa học, khả dụng, mỗi giáo cụ đều nhấn mạnh vào một chủ điểm với nhiều chất liệu khác nhau.

          Môi trường lớp học Montessori được bố trí có trật tự. Lớp học dùng giá sách tạm phân thành nhiều khu vực khác nhau một cách tự nhiên trong đó có khu thực hành cuộc sống, khu toán học, khu giác quan, khu nghệ thuật, khu khoa học... được sắp xếp trên giá gọn gàng. Lớp học Montessori thường sử dụng những đối tượng thật để trang trí nhằm kích thích hứng thú, sự tò mò của trẻ.

          Phương pháp Montessori luôn tôn trọng tính độc lập của trẻ, do vậy trong lớp học trẻ có thể dựa vào nhu cầu của bản thân, hoặc đề nghị của bạn bè, giáo viên để có thể tự do lựa chọn các hoạt động vui chơi của mình.     

         

Quan điểm Montessori đã chỉ ra vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của trẻ mầm non trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi. Hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục theo quan điểm này là môi trường giáo dục và vai trò của giáo viên. Để vận dụng được quan điểm của Montessori vào thực tiễn giáo dục mầm non ở Việt Nam, chúng ta cần có những điều chỉnh về phương pháp, phương tiện và môi trường học tập cho phù hợp với quan điểm Montessori vào thực tiễn giáo dục Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Hòa, Giáo dục học mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2015.

2. Lí Lợi (chủ biên), (Thanh Loan dịch), Phương pháp giáo dục Montessori - thời kỳ nhạy cảm của trẻ, NXB Đại học sư phạm, 2014.

3. http://dayconkieunhat.com