Mùa hè là thời gian trẻ em được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học. Mỗi khi hè về, việc tìm sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm, trăn trở.

Ở nông thôn có không gian rộng rãi, hoạt động hè của thiếu nhi tại các vùng nông thôn khá sôi nổi, các em có thể tham gia nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao rất bổ ích. Trong khi đó, ở khu vực nội thành, sân chơi cho trẻ em trong dịp hè luôn là vấn đề nan giải. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường cho con tham gia các lớp năng khiếu, đi tham quan du lịch, đến bể bơi, hay các câu lạc bộ. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng được hưởng điều kiện tốt như vậy. Hơn nữa, các trung tâm văn hoá, điểm sinh hoạt vui chơi giải trí cho trẻ em ở đô thị cũng đang dần trở nên quá tải. Tình trạng giao thông phức tạp, các tệ nạn xã hội rình rập, những trò chơi thiếu lành mạnh, nguy cơ mất an toàn cũng là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Đã có không ít trường hợp trẻ em gặp tai nạn giao thông, bị chết đuối khi rủ nhau đi bơi ở sông hồ trong dịp hè. Có những em lại mải mê với các trò chơi điện tử đến mụ mẫm cả người. Nhưng cũng không ít nơi tuy có nhà văn hoá, có sân chơi với không gian rộng rãi thì hoạt động hè cho thiếu nhi dường như lại chưa được quan tâm thích đáng.

Thời gian gần đây, đã có rất nhiều vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, thậm chí tử vong; một số học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn rồi quay lip tung lên mạng; tình trạng trẻ em bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành “băng, nhóm”, sử dụng hung khí gây ra không ít vụ án nghiêm trọng đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Hầu hết những em này khi được hỏi đều trả lời do bắt chước những nhân vật “siêu nhân” trong thế giới game, không có sự định hướng của người lớn hoặc chẳng có trò chơi gì bên ngoài nên “đành” vào quán Internet “giải trí” với những “trò chơi đen”…

Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân thiếu sự quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội; các em không được vui chơi giải trí lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, do đó không làm chủ được bản thân, định hướng sai lệch trước tác động mạnh mẽ của “thế giới” Internet, các ấn phẩm văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực…Thực tế đã chứng minh rằng, việc tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh chính là giúp các em có điều kiện hoàn thiện mình và tránh xa được các nguy cơ tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ như ma túy, bạo lực học đường, nghiện game online…

Trong nền kinh tế thị trường, nhiều nơi vì lợi nhuận, thu nhập nên chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế; ở các thành phố lớn, các khu cao ốc, trung tâm thương mại “mọc lên như nấm”, nhưng lại có quá ít những địa chỉ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được đầu tư xây dựng…dẫn đến tình trạng một số sân chơi của trẻ bị thu hẹp. Vì thế, những dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè những địa chỉ vui chơi hiếm hoi của trẻ thường quá tải, hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, giá vé đắt đỏ, các trò chơi nghèo nàn, không gian bị chiếm dụng để kinh doanh.

Việc thiếu trầm trọng những sân chơi lành mạnh cho trẻ dẫn đến tình trạng nhiều em chọn quán Internet, những tụ điểm phức tạp làm “sân chơi”. Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều em hư hỏng, bỏ học để đi chơi, tụ tập đánh nhau, quay clip tung lên mạng để “khẳng định bản lĩnh cá nhân” hay có thể ngồi lì trong quán game online hết ngày này sang ngày khác… đều thấy có lý do vì các em thiếu những điểm vui chơi lành mạnh, hấp dẫn.

Vui chơi giải trí là một nhu cầu văn hóa không thể thiếu của con người, đặc biệt đối với trẻ em. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất theo quy luật của cái đẹp. Trong quá trình phát triển của trẻ, hoạt động vui chơi giải trí đóng vai trò không kém phần quan trọng so với các hoạt động thiết yếu khác như bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ…

Để các em có điều kiện vui chơi lành mạnh cần có sự quan tâm cả vật chất và tinh thần của toàn xã hội dành cho trẻ em.

Trước hết, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần nhận thức đúng đắn vai trò của hoat động vui chơi giải trí đối với sự phát triển toàn diện thể chất và tinh thần của trẻ em.

Thứ hai, trong quy hoạch xây dựng cần chú trọng dành cho trẻ em nơi vui chơi giải trí lành mạnh, thuận tiện đáp úng nhu cầu vui chơi của các em; đặc biệt là những ngày hè.

Thứ ba, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể cần có kế hoạch tập huấn cho các cán bộ Đoàn, Đội để tổ chức các hoạt động hè phong phú, hấp dẫn ở các địa phương, lôi cuốn trẻ tích cực tham gia để các em thực sự được tận hưởng những ngày hè bổ ích, được vui chơi đúng nghĩa của tuổi thơ hồn nhiên, vô tư. Để có thêm nhiều hoạt động bổ ích cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, thiết nghĩ các cơ quan chức năng đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên và chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ, tổ chức hoạt động hè phong phú, tiết kiệm, an toàn. Dịp hè là thời gian học sinh, sinh viên được nghỉ nên có thể huy động được các đối tượng này trực tiếp tham gia hoạt động tình nguyện tại địa phương như: mở lớp ôn tập hè, dạy các bài hát, múa trong sinh hoạt tập thể, hoạt động văn hóa-thể thao… Thực tế, hoạt động này đã tạo ra sân chơi an toàn, thiết thực cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, luôn được các em đón nhận và phụ huynh đồng tình ủng hộ.. Kinh phí để tổ chức hoạt động có thể vận động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, các hộ gia đình... Sau mỗi đợt sinh hoạt hè cần có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo, khen thưởng những cá nhân, đơn vị làm tốt. 

Thứ tư, trên địa bàn thành phố, nhà thiếu nhi tỉnh cần tăng cường mở thêm các lớp học năng khiếu cho các em, nhất là sẽ tổ chức một lớp học đặc biệt có tên “Trải nghiệm thiên nhiên” cho trẻ em thành phố về vùng nông thôn, vừa dã ngoại ngắm cảnh, vừa có cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống. Phụ huynh có thể đăng ký cho con em theo các lớp học nếu có nhu cầu. Cùng với Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh, huyện, cần lên kịch bản để đưa sân chơi về nông thôn với các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, kỹ năng sống… phục vụ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa. Chương trình “Học kỳ trong quân đội” cần được tổ chức chặt chẽ hơn để mang lại hiệu quả thiết thực của nó.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990, thế nhưng “thế giới ngày mai” của chúng ta vẫn “khát” những địa chỉ vui chơi lành mạnh, bổ ích, mang tính giáo dục để các em được phát triển toàn diện.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” nhằm mục đích phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh; trẻ được quyền vui chơi, giải trí để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy dành cho trẻ em những sân chơi an toàn, lành mạnh” là những thông điệp luôn nhắc nhở chúng ta hãy sống có trách nhiệm hơn, dành nhiều điều kiện thuận lợi hơn, quan tâm, chia sẻ hơn với các em. Để các em có những ngày hè bổ ích đáng nhớ rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội.